Chứng khoán phát hành thêm: Tiền đâu mà mua!

Chứng khoán phát hành thêm: Tiền đâu mà mua!
Nhiều nhà đầu tư đồng tình với khuyến cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước về việc các công ty nên thận trọng với các kế hoạch phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã “tha thiết” kêu gọi các doanh nghiệp (DN) phải thận trọng vì giảm bớt các kế hoạch phát hành chưa cần thiết là bảo đảm sự an toàn cho DN và tăng ổn định cho thị trường trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Vẫn bung ra bất kể khó khăn

Hàng loạt công ty đại chúng, trong đó có khá nhiều công ty niêm yết đang bắt đầu triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ.

Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) phát hành gần 13,8 triệu cổ phiếu, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) phát hành hơn 9,6 triệu cổ phiếu, Công ty CP đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin (VSP) phát hành hơn 34 triệu cổ phiếu.

Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVT) sẽ phát hành một khối lượng khổng lồ lên tới 72 triệu cổ phiếu… Không chỉ thế, NĐT cũng đang “đau đầu” với khối lượng khá lớn cổ phiếu thưởng, cổ phiếu phát hành thêm trước đó của nhiều công ty đang bắt đầu niêm yết bổ sung hàng loạt.

Có một thực tế là nhiều cổ đông của các công ty cổ phần vẫn không thể xoay đủ tiền để mua hết số cổ phần mà họ được quyền mua.

Trước đây, khi giá cổ phiếu còn ở mức cao, họ có thể bán bớt một số cổ phiếu đã đủ tiền để mua gấp vài lần số cổ phiếu phát hành thêm hoặc đi vay ngân hàng.

Hiện nay bán còn khó chứ nói chi bán giá cao, còn vay tiền ngân hàng thì không dám vì lãi suất quá cao. Vì thế chỉ có thể mua cổ phần phát hành thêm bằng... tiền túi. 

Theo ông Hoàng Thạch Lân - trưởng phòng phân tích đầu tư Công ty chứng khoán SME, dự báo khó khăn còn kéo dài vì thế các công ty chỉ nên tập trung “phòng thủ” hơn là bung ra.

Chỉ nên gọi vốn để đầu tư vào những dự án dở dang hoặc có hiệu quả cao.

Hiện nhiều trường hợp phát hành tăng vốn đợt này lại đầu tư vào các dự án bất động sản, dự án mới... xét cho cùng cũng không phù hợp vì chưa có gì đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tới sẽ thuận lợi hơn.

Do đó, “hiệu quả của những dự án mới hay mở rộng sản xuất cũng cần được các công ty xem xét thận trọng hơn…” - ông Lân nói.

Chọn giải pháp an toàn

Trong thực tế đã có một số công ty quyết định lùi lại thời hạn phát hành tăng vốn sang năm tới với lý do thị trường không thuận lợi, triển vọng về hiệu quả của những dự án đầu tư chưa thật rõ ràng.

 Điển hình như Công ty CP Nam Việt, Công ty CP Sông Đà 1.01. Công ty CP XNK Petrolimex... tạm dừng kế hoạch phát hành gọi vốn để đầu tư dự án Nhà máy hóa nhựa Petrolimex như kế hoạch trước đó.

Tổng công ty CP Bảo hiểm dầu khí VN (PVI) cũng tạm dừng kế hoạch phát hành gần 60 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỉ đồng theo nghị quyết đã được đại hội cổ đông thông qua.

Trước đó, Incomfish (ICF) cũng đã hoãn phát hành 24 triệu cổ phiếu và tạm dừng triển khai ba dự án đầu tư, Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) cũng tuyên bố hoãn vô thời hạn kế hoạch phát hành 7,2 triệu cổ phiếu, Công ty CP Bibica (BBC) hoãn phát hành hơn 4,6 triệu cổ phiếu...

Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính, cho rằng việc quá tay trong phát hành thêm cổ phiếu đã khiến cung - cầu mất cân bằng, là một trong những nguyên nhân làm thị trường chứng khoán suy giảm.

Do đó, cơ quan quản lý phải kiểm soát nguồn cung trên thị trường, DN cũng cần phải xem xét kỹ thời điểm phát hành và kế hoạch sử dụng vốn.

Cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn để đảm bảo chỉ có những chứng khoán tốt mới được phát hành.

Theo ông Lâm Minh Chánh - tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt, việc phát hành chứng khoán ra công chúng hay cho cổ đông hiện hữu trong thời điểm hiện nay đều không thích hợp, vừa pha loãng cổ phiếu đồng thời cũng tạo ra gánh nặng lo vốn đối với các cổ đông.

Hơn nữa, bản thân công ty cũng chịu áp lực rất lớn về cổ tức, đặc biệt là nguồn thặng dư vốn từ phát hành gần như không đáng kể do giá cổ phiếu phần lớn chỉ xoay quanh mệnh giá.

Nhà đầu tư phải cân nhắc

Theo một chuyên gia chứng khoán, phần lớn những kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn đã được DN xây dựng trong năm 2007 hoặc đầu năm 2008, khi nền kinh tế còn trong giai đoạn “hưng phấn”.

Nay tình hình đã thay đổi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động mạnh đến đà tăng trưởng kinh tế và sức mua toàn cầu. Vì vậy, việc hủy hoặc thu hẹp kế hoạch phát hành nhiều khi là điều tốt cho cổ đông hơn là cứ tiếp tục thực hiện để rồi đối mặt với rủi ro.

Thực tế cho thấy, không chỉ phát hành thêm, hàng loạt DN phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng thông qua đấu giá trong thời gian gần đây đều không đạt được kết quả như mong đợi. Có DN không thể đấu giá được vì có ít NĐT quan tâm hoặc giá quá thấp.

Khi sức mua trên thị trường còn yếu, tâm lý NĐT chưa ổn định, việc cố phát hành thêm chứng khoán hay bán đấu giá cổ phần thì phần thiệt sẽ chia đều cho cả ba: thị trường, cổ đông và bản thân DN.

“Thực tế, ngay cả thương hiệu mạnh như bia Sài Gòn cũng đã không bán hết cổ phần - dù ở thời điểm đó tình hình chưa quá khó khăn như bây giờ - là một kinh nghiệm mà các công ty phát hành phải xem xét và cân nhắc” - một chuyên gia chứng khoán nói.

Theo Hải Đăng- Mỹ Khanh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.