Chứng khoán rơi tự do, nhà đầu tư gặp ác mộng

Dù thị trường bán tháo, nhiều nhà đầu tư vẫn nghĩ tới cơ hội bắt đáy. Ảnh: Như Ý
Dù thị trường bán tháo, nhiều nhà đầu tư vẫn nghĩ tới cơ hội bắt đáy. Ảnh: Như Ý
TP - Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cố phiếu đã gặp phải ác mộng khi trong 2 phiên đầu tuần thị trường gần như rơi tự do. Trong phiên giao dịch ngày Thứ 3 đã có những thời điểm chỉ số VN-Index mất gần 20 điểm. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo mạnh khiến cho hàng trăm mã giảm điểm và giảm sàn. 

Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong những phiên đầu tháng 5. Áp lực giải chấp được xem là nguyên nhân chính làm cho thị trường gần như rơi tự do. Liệu rằng với việc giá cổ phiếu đã rơi về vùng giá thấp và những điểm tích cực vĩ mô công bố trong thời gian gần đây có làm cho thị trường sớm phục hồi?

Chóng mặt bán tháo

Sau kỳ nghỉ lễ dài, nhà đầu tư đang nắm giữ cố phiếu đã gặp phải ác mộng khi trong 2 phiên đầu tuần thị trường gần như rơi tự do. Trong phiên giao dịch ngày Thứ 3 đã có những thời điểm chỉ số VN-Index mất gần 20 điểm. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo mạnh khiến cho hàng trăm mã giảm điểm và giảm sàn. Không chỉ cổ phiếu đầu cơ mà cả những mã vốn hóa lớn, bluechips cũng bị bán tháo không thương tiếc.. Áp lực xả hàng khiến tâm lý nhà đầu tư đã có phần hoảng loạn khi hoàng loạt lệnh bán được đặt ra. Diễn biến chính trên thị trường hoàn toàn nghiêng về phe bán.

Trên sàn HoSE, hầu hết các mã cổ phiếu vốn là trụ đỡ như VIC, VNM, GAS, BVH, SSI, DPM… đều giảm điểm mạnh từ 3-5%. Ngay cả những cổ phiếu cơ bản được xem là tốt vẫn trong tình trạng bị bán tháo. Gần như trong suốt thời gian giao dịch sắc đỏ vẫn chiếm thế chủ đạo.

Nhân viên môi giới một công ty chứng khoán ở TPHCM vốn có tiếng về việc cho “vay mượn” cho biết bên anh đang tích cực “call margin”. Hiện tượng này trên thị trường chứng khoán được hiểu là thông báo của công ty chứng khoán gửi nhà đầu tư đề nghị nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định. 

Công ty chứng khoán quy định tỷ lệ margin call đối với từng loại chứng khoán. Tỷ lệ thông dụng thường được áp dụng là 30%. Nghĩa là nếu chứng khoán giảm giá làm cho số tiền ký quỹ giảm xuống nhỏ hơn 30% tổng giá trị chứng khoán, nhà đầu tư sẽ được yêu cầu nộp thêm tiền để nâng tỷ lệ ký quỹ lên trên 30%.

Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo rủi ro khi mà rất nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, các công ty chứng khoán thì “full margin”. 

Do vậy, một khi giá cổ phiếu giảm mạnh chạm mức “call margin” thì chắc chắn sẽ tạo ra điểm gãy của thị trường. Khi đó, nếu không có dòng tiền lớn đổ vào thị trường (tức nhà đầu tư không nộp thêm tiền) thì các cổ phiếu sẽ bị bán giải chấp. Điều này cũng từng xảy ra trong năm 2011.

Call margin - cứu cánh

Còn nhớ hồi tháng 3, 4 các công ty chứng khoán rất hào hứng cho vay margin, tăng cường đòn bẩy tài chính một cách thoải mái và một dòng tiền rất “khỏe” đã đươc bơm vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã có mức lời kha khá trong giai đoạn thị trường tăng điểm. Do đó, hai phiên giảm điểm mới đây được xem như cơn lốc call margin là kết quả tất yếu và thị trường rơi vào trạng thái giảm điểm là không tránh khỏi.

Nhóm phân tích của CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) nhận định, chứng khoán tiếp tục chuỗi mất điểm trong hoàn cảnh không có thêm thông tin gì mới trong nước. Sau mỗi phiên giảm điểm mạnh thì điều thường được nghĩ đến tiếp theo sẽ là lực bán giải chấp. Điều này có thể vẫn đúng trong lần giảm này khi số mã giảm sàn tăng lên.

Trước áp lực bán tháo và các chỉ số sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn nghĩ đến cơ hội bắt đáy. Dù giảm điểm, song điều đáng nói là thanh khoản trên thị trường vẫn không đến nỗi tệ khi khối lượng giao dịch vượt trung bình trong gần tháng qua. Ở cuối phiên giảm điểm thì dòng tiền bắt đáy càng thể hiện rõ hơn.

Trong cơn hoảng loạn của một số nhà đầu tư, khối ngoại vẫn tỏ ra khá tỉnh táo. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 10 phiên liên tiếp trên cả hai sàn.

CTCK Chứng khoán MB – MBS cho rằng, các diễn biến tiêu cực hiện tại mang tính kỹ thuật ngắn hạn của thị trường khi các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn có nhiều tích cực và nhiều doanh nghiệp lớn đã chính thức công bố kết quả kinh doanh quý 1 rất khả quan. Cần phải lưu ý là sẽ vẫn có các công ty bị giảm giá mạnh trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, tuy nhiên nhìn chung đa phần các công ty nói chung đều bắt đầu ổn định trở lại sau quãng thời gian khó khăn 2012-2013.

Trong khi đó, một chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường có thể không còn giảm sâu nữa. Theo ông về trung hạn vĩ mô Việt Nam vẫn chưa có nhiều điểm lạc quan do quá trình tái cơ cấu quá chậm, nợ xấu thực tế chưa hề được giải quyết và sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần. 

Tuy nhiên, về ngắn hạn cũng chưa có gì rủi ro lớn. Như vậy, những “big boy” trên thị trường vẫn có thể điều khiển được “cuộc chơi”. Họ sẽ không để cho giải chấp diễn ra quá mạnh thay vào đó có thể điều khiển thị trường theo ý muốn để thu được lợi nhuận cao nhất.

MỚI - NÓNG