Chứng khoán SBS phá sản hay chờ 'phép lạ'?

Chứng khoán SBS phá sản hay chờ 'phép lạ'?
TPO -  Đại gia một thời trong ngành chứng khoán là Công ty chứng khoán Sacombank – SBS đang gánh chịu một sự “nội thương” nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ phá sản. Họ đang chờ một 'phép lạ'.....

Chứng khoán SBS phá sản hay chờ 'phép lạ'?

> Eximbank và Sacombank sắp 'kết hôn'
> Eximbank và Sacombank tính sáp nhập

TPO -  Đại gia một thời trong ngành chứng khoán là Công ty chứng khoán Sacombank – SBS đang gánh chịu một sự “nội thương” nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ phá sản. Họ đang chờ một 'phép lạ'.....

Chứng khoán SBS phá sản hay chờ 'phép lạ'? ảnh 1
 

Tuy nhiên, một phép lạ có thể sắp diễn ra khi Ngân hàng Sacombank chấp nhận chuyển đổi trái phiếu của SBS với giá 70.000 đồng/cổ phiếu, gấp 30 lần giá thị trường.

Tái cấu trúc

Với mức lỗ lũy kế hơn 1.767 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 256 tỷ đồng và đối mặt án hủy niêm yết. Với số vốn âm quá lớn này thì SBS đang đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của SBS đã thông qua Đề án tái cấu trúc tổ chức và hoạt động để vực dậy công ty trở lại bình thường.

Nội dung Đề án tái cấu trúc của SBS bao gồm ba bước. Bước 1, chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn điều lệ lên 1.766,6 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu từ âm 256 tỷ đồng lên dương 252 tỷ đồng, thanh toán trước hạn 300 tỷ đồng trái phiếu còn lại và hơn 100 tỷ đồng chi phí lãi;

Bước 2, chuyển đổi (gộp) cổ phiếu tỷ lệ thích hợp dự kiến là 7:1 để giảm vốn điều lệ về 252 tỷ đồng, dùng vốn tự có để xóa lỗ lũy kế;

Bước 3, phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1,5, đưa vốn điều lệ lên 630 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng khoảng180%, đảm bảo SBS hoạt động bình thường.

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank, đơn vị trái chủ, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, việc Sacombank mua lần đầu 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của SBS là vi phạm các quy định và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu Sacombank quyết liệt thu hồi khoản trái phiếu này. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng trong bối cảnh hiện nay là rất khó thu hồi khoản nợ 800 tỷ đồng bằng trái phiếu. Do đó cũng vừa để giúp SBS phục hồi, Sacombank đã có công văn xin NHNN cho phép chuyển một phần trái phiếu là 500 tỷ đồng thành vốn góp, phần còn lại 300 tỷ đồng thì SBS có nghĩa vụ hoàn trả cho Sacombank cùng với hơn 100 tỷ đồng chi phí lãi.

Mặc dù việc chuyển đổi trái phiếu của Sacombank còn phải chờ Đại hội đồng cổ đông sắp tới của ngân hàng này quyết định, nhưng nếu tính kỹ ở các bước tái cấu trúc trong đề án thì mức giá chuyển đổi cổ phiếu SBS là hoàn toàn bất ngờ và rất khó hiểu đối với nhiều người.

Trông chờ phép lạ?

Quay trở lại Đề án tái cấu trúc của SBS, Sacombank sẽ chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu với giá 10.000 đồng/cp thành 50 triệu cổ phiếu SBS, tăng vốn điều lệ lên 1.766,6 tỷ đồng, tương đương hơn 176 triệu cổ phiếu. Bước tiếp theo sau là tiến hành gộp cổ phiếu tỷ lệ thích hợp dự kiến là 7:1, tức là 7 cổ phiếu cũ sẽ có 1 cổ phiếu SBS mới để giảm vốn xuống 252 tỷ đồng.

Sau khi gộp lại thì 50 triệu cổ phiếu chuyển đổi Sacombank chỉ còn 7.142.867 cổ phiếu. Như vậy, ngân hàng này sẽ mua cổ phiếu SBS với giá 70.000 đồng/cp sau hai bước tái cơ cấu SBS, gấp 30 lần so với thị giá của SBS (2.500 đồng/cp). Đây là một mức giá rất cao đối với một doanh nghiệp đang còn rất khó khăn như SBS. Câu hỏi đặt ra tại sao Sacombank lại đề xuất một phương án hoàn toàn bất lợi như vậy trong khi Sacombank hoàn toàn có thể chuyển đổi với mức giá thấp hơn rất nhiều.

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng đây là con đường không thể tránh khỏi nếu muốn cứu SBS. Thực vậy, SBS vốn là “đứa con cưng” của Sacombank. Hiện tại, dù thua lỗ lớn nhưng SBS vẫn có thương hiệu, nền tảng cơ bản và có giá trị.

Ngoài lý do này còn có lý do nào khác đằng sau đề án tái cấu trúc này không? Có người cho rằng dù phải mua giá cao nhưng kèm theo điều kiện là SBS sẽ phải trả cho Sacombank hơn 400 tỷ đồng cả gốc, lẫn lãi còn lại. Rõ ràng nhận được khoản này sẽ giúp Sacombank thu hồi được một phần vốn còn hơn là mất tất cả. Nghi ngờ này là hoàn toàn có cơ sở vì hiện nay tài sản của SBS phần lớn là khoản nợ trái phiếu và lãi. Theo tờ trình của công ty tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua thì hiện tại SBS có đến 1.119 tỷ đồng nợ khó đòi. Khoản này có nguy cơ mất trắng. Do vậy, việc Sacombank chấp nhận chuyển đối cổ phiếu SBS rất cao như vậy là có lý do của nó.

Đánh giá về tương lai của SBS, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT SBS lạc quan cho rằng nếu mọi việc tốt đẹp thì 2 năm nữa SBS sẽ quay lại sàn giao dịch. Nhưng mặt khác ông cũng thừa nhận, đề án tái cấu trúc còn phải chờ các cơ quan quản lý như Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước, NHNN, cổ đông Sacombank thông qua. Nếu phương án không được thông qua thì SBS sẽ đối diện với nguy cơ cao là phải giải thể công ty.

Trần Anh

Theo Viết
MỚI - NÓNG