Chứng khoán: Sự hào hứng thái quá

Chứng khoán: Sự hào hứng thái quá
Thị trường chứng khoán nóng lên, và tình hình đầu tư có vẻ như đậm tính đầu cơ. Những ngày này, câu chuyện về đầu tư chứng khoán và nhà đất lại len lỏi vào những bữa ăn trưa và các cuộc tụ tập cà phê trên phố.
Chứng khoán: Sự hào hứng thái quá ảnh 1

Tâm trạng nhà đầu tư lạc quan hơn trước với kỳ vọng phục hồi kinh tế, nhưng về cơ bản, các chỉ số kinh tế chưa đủ củng cố tâm trạng lạc quan của họ - Ảnh: Quang Liên - Vneconomy

Tại một quán cà phê đông người ở trung tâm quận 1, một người sôi nổi giải thích với các bạn mình rằng với đà tăng của VN-Index thời gian qua, nếu biết bỏ 1 tỉ đồng vào thị trường chứng khoán cách đây hai tháng, bây giờ số tiền đó đã tăng gấp đôi. Vài người khác ngồi lặng người vì tiếc.

Cùng một lúc đó, một tay môi giới nhà đất gọi điện thoại cho người viết bài này, thông báo về chuyện chủ một căn hộ chung cư đã đổi ý, tăng giá bán.

“Giá sắp tăng mạnh rồi, vì người ta đang chốt tiền thắng chứng khoán và sẽ đổ vào địa ốc”, anh chàng môi giới địa ốc doạ dẫm, giọng rất phấn khích.

Sự hào hứng này gợi nhớ đến không khí sôi sục của nền kinh tế cách đây hai năm, khi mà nhà nhà, người người tham gia đầu tư chứng khoán hoặc địa ốc, và khi “làm giàu” là chủ đề thống trị các câu chuyện của mọi người.

Đó là khi bong bóng trên thị trường địa ốc Mỹ bắt đầu vỡ nhưng ở Việt Nam, đà chạy của cỗ máy kinh tế chưa được kìm lại. Nhưng trí nhớ của người ta ngắn đến mức nào?

Không lâu sau những ngày sôi sục đó, chúng ta phải đối mặt với lạm phát lên đến gần 30%, và hàng loạt người méo mặt vì các khoản đầu tư bị đóng băng trên thị trường địa ốc và chứng khoán.

Giờ đây, khi nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái, và vì thế kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn, giấc mơ làm giàu qua đêm đã lại quay lại với nhiều người.

Về cơ bản, ngay cả những nhà đầu tư sừng sỏ và những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng không dám cho rằng kinh tế đã phục hồi. Nhà kinh tế được giải Nobel 2008 Paul Krugman, tuy cho rằng điều tệ nhất đã qua đi với kinh tế Mỹ và thế giới, vẫn dự đoán một thời gian dài trì trệ phía trước.

Tâm trạng nhà đầu tư lạc quan hơn trước với kỳ vọng phục hồi kinh tế, nhưng về cơ bản, các chỉ số kinh tế chưa đủ củng cố tâm trạng lạc quan của họ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như thị trường Mỹ, đang đi quá đà với các yếu tố cơ bản. Cuối tuần này, các thị trường đã giảm tốc hoặc đi xuống.

Ở Việt Nam, các chỉ số kinh tế mới nhất cũng không khiến yên tâm nhiều hơn. Xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Việt Nam, vẫn gặp khó khăn. Nếu không có kim ngạch xuất khẩu vàng, thì trong năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm.

Các báo cáo về tình trạng thất nghiệp, tuy không đầy đủ, vẫn gây lo ngại. Những nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm sản xuất và đầu tư trong thời gian qua chưa đầu tư trở lại. Dấu hiệu khuyến khích nhất hiện nay là lượng vốn chi phí rẻ mà Chính phủ đang bơm vào nền kinh tế từ gói kích cầu và những mong đợi về tác dụng kích thích của nó.

Khuyến khích nhất đối với những người đầu tư chứng khoán là việc dòng tiền đang “ào ạt” đổ vào thị trường chứng khoán trong những tuần qua, với khối lượng giao dịch thường xuyên đạt 2.000 tỉ đồng mỗi ngày.

Không có gì quá lạ, bản chất của những thị trường mới nổi như Việt Nam là tính dễ thay đổi. Thị trường có thể tăng rất mạnh nhưng khi thị trường xuống dốc thì tính thanh khoản cũng tệ hại, thị trường khô hạn nhanh chóng.

Một lý do rất lớn của tình trạng này là tâm trạng háo hức và khát vọng làm giàu nhanh chóng của những người tham gia thị trường, khiến cho đầu cơ trở thành động lực chủ yếu dẫn dắt sự lên xuống của thị trường. Tình trạng này trầm trọng hơn nếu Nhà nước vụng về, thiếu trách nhiệm trong các biện pháp điều hành kinh tế, từ chính sách tiền tệ đến tài khoá.

Đây là những kinh nghiệm mà nền kinh tế đã trải qua trong hai năm qua, đặc biệt là giai đoạn căng thẳng về lạm phát cũng như cân bằng cán cân thanh toán trong năm ngoái. Thị trường địa ốc cũng không nằm ngoài quy luật này. Cơn sốt đầu cơ đẩy giá địa ốc lên quá cao trong một thời gian ngắn.

Khi thị trường lao dốc, không ít người mất mát vì tham gia vào cuộc chơi tăng giá. Vào thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia trên thị trường địa ốc, các phân nhánh thị trường đều bắt đầu bình ổn, nhưng chuyện tăng giá mạnh trở lại là rất khó xảy ra.

“Hy vọng rằng người ta đã nhận ra rằng thị trường không thể lúc nào cũng tăng. Tôi hy vọng rằng thị trường không trở lại cái cách tăng giá trước đây, vì như vậy hoàn toàn không ổn định”, ông Brett Allston, giám đốc điều hành của Savills Việt Nam nhận xét.

Theo ông, cho dù việc chốt lời chứng khoán có thể là một yếu tố tích cực cho thị trường địa ốc, việc tăng giá ào ạt là không thể có. Khác với những năm trước, khi thị trường căn hộ còn thiếu nguồn cung, hiện nay ở cả Tp.HCM và Hà Nội đều có nhiều dự án.

Các công ty phát triển địa ốc phải đầu tư khôn ngoan hơn và đã có một sự phân cấp rõ rệt về chất lượng dự án. Người mua có nhiều sự lựa chọn để không phải lao vào tranh giành mua bán như trước đây.

Những nhà đầu tư sừng sỏ nhất hiểu khá rõ tình hình thị trường, “luật chơi” và điểm dừng của nó. Thông thường, những người bị bỏ lại trong cuộc “tắm máu” thị trường là những người thiếu kinh nghiệm, những người thường được gọi là “bầy cừu”. Khi “bầy cừu” bắt đầu đông hơn, thiết nghĩ, chúng tôi phải nhắc lại những ký ức của thị trường cách đây không lâu, và kéo mọi người về thực tại.

Theo Lan Anh
SGTT

MỚI - NÓNG