Chứng khoán thế giới, một tuần lạc quan

Chứng khoán thế giới, một tuần lạc quan
Căng thẳng tín dụng được nới lỏng nhờ quyết định ổn định lãi suất cùng báo cáo việc làm lạc quan của Bộ Lao động Mỹ đã tô sáng hơn bức tranh kinh tế nhiều gam tối của nước này.
Chứng khoán thế giới, một tuần lạc quan ảnh 1
Chứng khoán Mỹ tăng liên tục ba ngày trước khi kết thúc phiên cuối tuần giảm nhẹ.

Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ, George W. Bush công bố kế hoạch ổn định lãi suất đối với một số khoản vay thế chấp và sẽ tái cấp vốn để hỗ trợ 1,2 triệu con nợ “subprime”.

Angus Gluskie, chuyên viên quản lý quỹ tại White Finds Management ở Sydney, Úc nhận xét: “Kế hoạch của Mỹ là một động lực lớn làm chùng bớt những căng thẳng đang đè nén thị trường.”

Chứng khoán Mỹ đã tăng liên tục ba ngày trước khi kết thúc phiên cuối tuần giảm nhẹ. Đầu tuần qua, các hàn thử biểu leo cao với ước đoán, kế hoạch giới hạn các khoản vỡ nợ thế chấp họ subprime của Chính phủ sẽ thúc đẩy doanh thu của các ngân hàng và làm dịu cuộc suy thoái nhà ở.

Phiên cuối tuần, S&P 500 trượt mất 2,68 điểm (0,2%) còn ở mức 1.504,66 điểm, Nasdaq mất 2,87 điểm (0,1%), đứng ở 2.706,16 điểm, Dow thêm 5,69 điểm, lên nấc thang 13.625,58 nhờ đóng góp lớn của Alcoa Inc và Boeing.

Số cổ phiếu tăng và cổ phiếu giảm tương đương nhau trên sàn giao dịch New York. Tính cả tuần qua, S&P 500 đã tăng được 1,6%, đẩy con số tăng trưởng trong năm của chỉ số này lên mức 6,1%; Dow leo thêm 1,9% và mức tăng điểm trong năm là 9,3%; Nasdaq thêm 1,7% với thành quả đã thu được tính từ đầu năm đến nay là 12%.

Biện pháp của Chính phủ Mỹ sẽ giúp cho những người nghèo tránh rơi vào cảnh vô gia cư, hạn chế sự mất giá của bất động sản, và gia tăng tiêu dùng, Yang Jeung Won, chuyên viên quản lý quỹ của Samsung Investment Trust Management Co. ở Seoul nói.

Số lượng việc làm 94.000 của tháng 11 và tỷ lệ thất nghiệp 4,7% thay cho hai con số ước đoán 80.000 và 4,8% của Bloomberg, được công bố trong báo cáo của Bộ Lao động Mỹ khiến các nhà đầu tư rút lại lá bài đặt cược vào chuyện cắt giảm lãi suất của FED trong cuộc họp chính sách ngày 11/12 tới đây.

Cổ phiếu tài chính cũng giảm giá sau khi mức lợi tức của các giấy tờ thương mại họ thế chấp tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua, cho thấy các nhà đầu tư vẫn rụt rè trong việc mua các công cụ nợ loại này.

Cổ phiếu của Citigroup mất 4 cent, còn ở mức 34,31 USD. Ngân hàng có trụ sở tại New York này là nhà quản lý các công cụ đầu tư chuyển rủi ro lớn nhất, với kế hoạch kiếm tiền bằng việc bán các công cụ nợ ngắn hạn và mua những tài sản có mức lợi tức cao hơn và kỳ hạn dài hơn.

Tuy nhiên, chỉ số cảm nhận người tiêu dùng do Đại học Michigan nghiên cứu đã giảm xuống 74,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2005, thời điểm của cơn bão Katrina tàn ác. Thước đo này của tháng trước là 76,1.

Cuối tuần qua, Russell 2000, một thước đo cho các công ty tầm trung với giá trị khoảng 614,5 triệu USD, giảm 0,2%, còn ở mức 785,52 điểm.

Dow Jones Wilshire 5000, một thước đo rộng nhất của các chứng khoán Mỹ mất 0,1%, còn ở mức 15.195,10 điểm, giá trị giao dịch của các cổ phiếu tham gia vào chỉ số này giảm 10,3 tỉ USD.

Châu Á hưng phấn

Tuần thứ hai liên tiếp, chứng khoán châu Á kết thúc vui vẻ sau khi Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch giới hạn các khoản vỡ nợ thế chấp, làm vơi mối lo ngại về cuộc suy thoái lớn đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực này. Các hàn thử biểu trong khu vực đều tăng điểm trừ Sri Lanka.

Tuần này, chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương thêm 1,6%, lên mức 164,51 điểm, sau khi đạt được 4,9% tăng trưởng trong năm ngày trước đấy. 8 trong số 10 tập đoàn công nghiệp đều tăng điểm, đẩy thước đo này lên nấc thang cao nhất kể từ 7/11.

Tại Tokyo, tính cả tuần, Nikkei 225 của Nhật tăng 1,8%, lên mức 15.956,37 điểm. Cổ phiếu của Toyota, ông chủ sản xuất ô tô lớn nhất nước Nhật, tăng 1,6%, lên mức 6.340 Yên. Cổ phiếu của Honda leo thêm 1,3%, đạt 3.870 Yên. Cổ phiếu của Sharp tăng 2,4%, đạt 1.974 Yên.

Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu cũng tăng điểm nhờ đồng Yên tiếp tục suy yếu so với đồng USD, làm giãn nở giá trị của hàng hoá xuất khẩu khi đổi sang đồng nội tệ.

Cổ phiếu của các công ty bất động sản cùng leo dốc với cả thị trường nhờ chính sách nới lỏng thị trường tín dụng của Bush, giúp các công ty phát triển tốn ít chi phí vay hơn để thực hiện các dự án xây dựng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm từng phiên trong năm ngày giao dịch qua, chỉ số CSI 300 đạt mức tiến triển lớn nhất trong khu vực, tăng 6,4%, mức tăng tuần cao nhất kể từ 24/8. Thước đo này đã giảm 13% trong bốn tuần trước.

Baoshan, công ty thép lớn nhất của Trung Quốc, nhảy 15,2%, lên mức 16,72 RMB và Beijing Shougang, công ty thép xếp thứ chín về giá trị thị trường của Trung Quốc tăng 10,4%, đạt 7,95 RMB. 

Theo Lê Hường
VnEconomy

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.