Chứng khoán vào trạng thái nguy hiểm

Chứng khoán vào trạng thái nguy hiểm
TP - Thanh khoản mất dần, mỗi ngày mở mắt nhà đầu tư thấy cổ phiếu của mình mất một vài ngàn đồng, nhưng kéo dài chưa biết đâu là đáy nên khi nhìn lại, khoản tiền mất là quá lớn. Chứng khoán đang trong trạng thái nguy hiểm vì bị bào mòn.

> Chứng khoán: Điều gì đang xảy ra?
> Chứng khoán ngày 17-8

Tê liệt kênh dẫn vốn

Những ngày cuối tháng 10-2010, TTCK xôn xao về 2 scandal của Cty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (DVD). Chưa hết ngỡ ngàng vì Tổng Giám đốc của DVD - Nguyễn Văn Dũng bị bắt do tội làm giá chứng khoán, nhà đầu tư lại bất ngờ trước tin hơn 9,07 triệu cổ phiếu phát hành tăng vốn của DVD phải dừng lại. Đây là lần đầu tiên một đợt phát hành thêm cổ phiếu của doanh nghiệp bị UBCKNN yêu cầu hoãn và sau này, dù đã có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư nhưng thực tế giá cổ phiếu DVD vẫn trượt dài. Câu chuyện DVD chỉ là cá biệt, nhưng nó phản ánh một đặc điểm nổi bật trên TTCK năm 2010 là đa phần doanh nghiệp đều nôn nóng tìm cách tăng vốn qua TTCK.

Tổng giám đốc một CTCK lớn hiện vẫn còn làm ăn có lãi trên sàn chia sẻ: “Năm 2010, TTCK giúp các DN huy động vốn bằng hơn 10% dư nợ tín dụng, các ngân hàng cũng huy động được hơn 45.000 tỷ đồng qua kênh phát hành chứng khoán. Nhờ có kênh dẫn vốn này mà nhiều năm qua, rất nhiều DN đã lột xác, ăn nên làm ra (nhóm cổ phiếu của Vinaconex, Sông Đà Thăng Long, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FPT...). Tuy nhiên, đến nay, việc huy động vốn qua sàn không còn dễ dàng”. Ông dẫn chứng, hiện giờ, hễ nghe DN nào có ý định phát hành thêm là nhà đầu tư sợ hãi bán tháo cổ phiếu ngay. Trong khi đây là thời điểm DN cần vốn hơn bao giờ hết vì lãi ngân hàng hiện quá cao, rất nhiều dự án cần thêm tiền. Theo ông, lý do chính của việc phát hành “ế” thêm là bởi thị trường suy giảm, cổ phiếu ngày một rẻ, và nhà đầu tư cũng hết tiền. Thời điểm này, nhà đầu tư thấy rằng bỏ tiền vào chứng khoán không sinh lời cho nên họ rất sợ.

Theo bà Nguyễn Vũ Kim Liên, Phó chủ tịch UBCKNN, tính đến thời điểm này, trong số 813 cổ phiếu trên cả 3 sàn, khoảng 50% có giá thấp hơn mệnh giá, 74% có giá thấp hơn giá trị sổ sách. Chứng khoán rẻ mà không hút được vốn, vì sao? Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX), thời điểm này, việc mất giá của các cổ phiếu không chỉ phản ánh khó khăn kinh tế vĩ mô, mà còn phản ánh chính nội tại của các DN. Chất lượng hàng hóa thấp là hệ quả của quá trình tăng trưởng nóng. Các công ty đại chúng niêm yết nhiều nhưng lại chưa có tổ chức định mức tín nhiệm, các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho thị trường đến bây giờ vẫn trong giai đoạn thai nghén...

Không biết đâu là đáy

Sáng 16-8, dạo một vòng quanh các Cty Chứng khoán Quốc tế, Tràng An, Hoà Bình, Hoàng Gia, không khí đều lặng như tờ, chỉ lác đác vài nhà đầu tư ngồi tán chuyện, nhân viên thì đa số ngồi không. Có công ty, chỉ có một nhà đầu tư ngồi trước bảng điện tử. Thống kê trong số hơn 1 triệu tài khoản đã mở trên thị trường, giao dịch thường xuyên chỉ còn lại vài chục ngàn tài khoản.

Nhìn về tương lai gần của TTCK, một phân tích viên CTCK Hoà Bình khẳng định: “Hiện tại, không có kịch bản cho chứng khoán, chuyển biến từ chính sách kinh tế vĩ mô vẫn là đòn bẩy gốc, mà hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ thay đổi”.

Năm 2012, quỹ ngoại bắt đầu rút vốn mạnh

Theo thống kê của Cty quản lý quỹ Sài Gòn (SGI Capital), năm 2012 sẽ là năm bắt đầu của làn sóng các quỹ đầu tư chứng khoán đến thời hạn giải thể và cao điểm của làn sóng này là năm 2013. Việc thoái vốn trong năm 2012 sẽ hơn 3.400 tỉ đồng (tính theo giá trị hiện thời) và sẽ tiếp diễn cho đến năm 2015. SGI Capital ước tính sẽ có hơn 63.000 tỉ đồng có thể bị rút ra khỏi thị trường trong 4 năm tới. Ngoài nguyên nhân đến thời điểm đóng quỹ, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến áp lực thoái vốn là giá cổ phiếu cũng liên tục sụt giảm khiến cho giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư sụt giảm mạnh.

Theo giới phân tích chứng khoán, theo quy luật quỹ cũ rút đi có thể gọi thêm quỹ mới nhưng đáng ngại là hiện tại chưa có quỹ nào vào Việt Nam mà làm ăn có lời . Điều này, sẽ là bước cản tâm lý cho các quỹ mới nếu có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.