Chứng khoán Việt Nam: Không có dấu hiệu tháo chạy

Chứng khoán Việt Nam: Không có dấu hiệu tháo chạy
TP- Hiện nay chưa có biểu hiện sự rút vốn khỏi Việt Nam mà theo nhận định của HOSE thì chỉ thể hiện sự thận trọng, chọn lọc hơn trong quyết định đầu tư, không đầu tư ồ ạt như trước.

Các thị trường chứng khoán (TTCK) lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore đồng loạt sụt giảm trung bình 10-12% trong vòng 10 ngày qua.

Nhiều nơi rơi vào hoảng loạn, thậm chí TTCK Nga và Indonesia phải ngừng giao dịch! TTCK Việt Nam cũng giảm từ 479 điểm xuống còn 397 điểm trong hơn một tuần lễ, giá trị vốn hóa giảm khoảng 40.000 tỷ đồng… đang khiến khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) hoang mang và lo sợ.

Các chuyên gia kinh tế, chứng khoán nói gì trước tình hình nhiều biến động bất lợi này?

Chứng khoán Việt Nam: Không có dấu hiệu tháo chạy ảnh 1
Nhiều NĐT đang hoang mang do khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng

Tổng GĐ Sở GDCK TPHCM (HOSE) Trần Đắc Sinh:

Khối lượng chứng khoán bán ra của các NĐT ngoại trong 6 phiên đầu tháng 10 gấp khoảng 1,4 lần mua vào.

Tuy nhiên điều này chưa thể hiện sự rút vốn khỏi Việt Nam mà theo nhận định của HOSE thì chỉ thể hiện sự thận trọng, chọn lọc hơn trong quyết định đầu tư, không đầu tư ồ ạt như trước.

Tuy bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đang diễn ra nhưng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua được củng cố bởi các giải pháp nhất quán của Chính phủ trong việc giải quyết lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại. Lạm phát tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất, thâm hụt thương mại đang được thu hẹp.

TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay nên các NĐT cần xem xét khi quyết định mua, bán, tránh làm khuếch trương các tác động không đáng có đối với TTCK Việt Nam”.

Ông Andy Ho, GĐ điều hành Quỹ đầu tư Vina Capital:

Nhiều người đặt câu hỏi các NĐT ngoại có rút vốn ra khỏi TTCK Việt Nam không? Tôi cho rằng hầu hết quỹ đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam là quỹ đóng nên họ không chịu áp lực rút vốn hay trả lại tiền cho NĐT nên họ không rút vốn.

Ngay như Vina Capital vẫn đang chuẩn bị huy động thêm vốn để đầu tư vào Việt Nam vì nhìn thấy khả năng trong trung và dài hạn tốt. Điều mà tôi thấy đáng lo là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tiếp tục giải ngân vào Việt Nam hay sẽ phải gia hạn vì tình hình kinh tế toàn cầu đang khó khăn.

Vừa rồi tôi có tiếp xúc với một số đồng nghiệp tại Mỹ và thấy họ đang rất lo lắng về tài chính, sợ mất nhà do có thể thất nghiệp nhưng dấu hiệu đó chưa thấy tại Việt Nam”.

Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành:

Mỹ khủng hoảng nặng do khai thác triệt để sản phẩm chứng khoán phái sinh, còn tại Việt Nam các ngân hàng cho vay bất động sản (BĐS) luôn lấy BĐS thế chấp cùng các điều kiện chặt chẽ.

Thị trường vốn VN đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong thời gian tháng 3-6/2008 nhưng đến nay đã được cải thiện nhiều, ngân hàng có tính thanh khoản tốt hơn, vốn có khả năng dư thừa. Thách thức lớn nhất hiện nay là có đến 86% NĐT trên TTCK là NĐT cá nhân thường bị tác động tâm lý rất mạnh.

Tổng GĐ CTCK Bản Việt Tô Hải:

So với cách đây 3 năm thì thị trường tài chính Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Từ cuối năm 2006 đến nay, các doanh nghiệp đã huy động được 60.000 tỷ đồng qua TTCK. 100% tổ chức niêm yết đều huy động được vốn qua thị trường này và đây là may mắn cho nhiều DN vì nếu khủng hoảng xảy ra cách đây 3 năm không ít DN đã phá sản.

Lạm phát chậm lại, lãi suất giảm, thanh khoản của ngân hàng cao… là những yếu tố thị trường tài chính sẽ phục hồi trước và quý IV tình hình sẽ tốt hơn.

Tổng GĐ CTCK SBS Nguyễn Hồ Nam:

Qua trao đổi với đồng nghiệp trong khu vực,  họ đều đánh giá TTCK Việt Nam hiện nay là thị trường tốt, không có tâm lý quá sợ hãi, hoảng loạn hay tháo chạy như một số nước. Lạm phát vừa qua có đến 65% do giá dầu mỏ và thực phẩm tăng, nay cả hai thứ đó đều đang giảm nên tôi nghĩ lạm phát không quá đáng lo.

Ngành xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nhưng do chủ yếu xuất dầu mỏ, giày da, may mặc, thủy hải sản… là những mặt hàng thiết yếu nên ảnh hưởng sẽ ít hơn những nước xuất khẩu hàng xa xỉ như ô tô, máy móc hiện đại, hàng tiêu dùng cao cấp.

Năm nay vốn FDI dự kiến giải ngân 11 tỷ USD và thực tế đã giải ngân được 8,1 tỷ, với tình hình này 3 tỷ USD còn lại sẽ khó đổ vào Việt Nam nhưng do thâm hụt thương mại giảm xuống còn khoảng 17,18 tỷ USD so với 20 tỷ USD đã dự báo nên có thể bù trừ được. Bên cạnh đó thì lãi suất giảm cung cầu tín dụng sẽ tăng, kinh tế sẽ phát triển và nhiều DN sẽ thoát khỏi phá sản”.

GĐ chi nhánh CTCK NHNN & PTNT tại TPHCM Lê Văn Minh:

TTCK Việt Nam ổn định nhưng phần lớn NĐT yếu và thiếu cả kinh nghiệm lẫn kiến thức nên ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Tín hiệu tốt TTCK chưa chắc lên nhưng tín hiệu xấu dù chưa kiểm chứng, không xác thực cũng khiến thị trường rớt thê thảm. Một số khách hàng nói với tôi: “Không biết ảnh hưởng gì nhưng mọi người chạy thì tôi cũng chạy, không chạy chịu sao nổi!

Hà Phan ghi

MỚI - NÓNG