Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi'

Con Cưng bị kiểm tra sau nghi vấn tráo tem nhãn
Con Cưng bị kiểm tra sau nghi vấn tráo tem nhãn
TPO - Hệ thống siêu thị Con Cưng cho biết đã thu hồi gần 6.000 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Đồng thời gửi tin nhắn đến gần 4.000 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới.

Ngày 23/7, trên website của mình, Con Cưng cho biết gần 6.000 sản phẩm lỗi. Trong ngày 23/7, Chi cục QLTT TPHCM tiếp tục kiểm tra hơn 70 cửa hàng của công ty Con Cưng tại TPHCM.

Kết quả cho thấy nhiều cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Trong đó đáng chú ý mặt hàng mỹ phẩm cho trẻ em nhãn mác không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định…

Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi' ảnh 1

Lực lượng QLTT kiểm tra toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng Con Cưng

Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi' ảnh 2 Nhiều sản phẩm được cơ quan chức năng đánh giá là "có vấn đề"

Cụ thể, nhiều mặt hàng quần áo trẻ em các loại mang nhãn hiệu hiệu CF, concung.com, laluna, lebe, Starter’s. Trên sản phẩm ghi xuất xứ: made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp trên sản phẩm. Đối với hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa và nhãn phụ tiếng Việt không đính kèm sản phẩm mà treo trên móc treo.

Một số sản phẩm mỹ phẩm tại đây còn được “hô biến” xuất xứ. Ví dụ như kem massage bụng TITIOne, trên tem nhãn dán bên ngoài sản phẩm ghi là sản xuất bởi công ty TNHH mỹ phẩm TITIOne (ấp Long Hòa, Long Hồ, Vĩnh Long). Tuy nhiên, thực chất trên thân chai mỹ phẩm này lại ghi sản xuất bởi công ty TNHH G&C, địa chỉ văn phòng 413 đường số 1, P.Bình Trị đông B (Q.Bình Tân)… Nhân viên cho biết: “Đây là lỗi của nhà sản xuất. Bên em đã có chỉnh sửa lại thông tin đến cho thị trường” (!?).

Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi' ảnh 3 Sản phẩm mỹ phẩm có 2 tem nhãn khác nhau được dán chồng lên
Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi' ảnh 4 Nhân viên cho biết do lỗi nhà sản xuất, cửa hàng chỉnh sửa lại thông tin đến cho thị trường

Với quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com trên nhãn ghi xuất xứ: made in VietNam, kèm nhãn giấy/bao bì ghi thông tin thành phần, sản xuất tại Việt Nam, công ty CP Con Cưng và địa chỉ thì không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm vê hàng hóa. 

Nhiều sản phẩm quần áo trẻ em thấy chữ made in ThaiLan trực tiếp in trên quần áo, hoặc đính rời trên bộ quần áo; thậm chí cửa hàng còn gắn nhãn mác trên móc treo lủng lẳng, trên nhãn này có ghi giá, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, mã vạch… Tuy nhiên, khi quét mã vạch có đúng xuất xứ Thái Lan thì không hiện ra.

Cơ quan kiểm tra còn phát hiện trên mặt hàng phấn, sữa tắm, sữa tắm, gội, sữa dưỡng da…hiệu Johnson’s và Johnson’s baby do Thái Lan, Philipines, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm. Tuy nhiên không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định...

Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm 'lỗi' ảnh 5 Tem nhãn cũng có "vấn đề"

Mới đây, trên website Con Cưng, đơn vị này cho biết đã ngay lập tức thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.

Đồng thời gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới. Lãnh đạo công ty cũng làm việc với nhà sản xuất để xác minh nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật nêu trên. Trên thực tế, lô hàng này được Con Cưng đặt sản xuất dưới thương hiệu CF (Concung Fashion) tại Thái Lan và sau khi kiểm tra theo phản ánh từ khách hàng thì sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng, vì vậy Con Cưng đã tiến hành thu hồi sản phẩm.

Công ty cũng đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng. Công ty gửi lời xin lỗi tới khách hàng và nghiêm túc kiểm điểm nội bộ, cam kết tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ để không xảy ra các sai sót tương tự.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công thương cho biết, về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc.

“Hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt. Trong khi đó, mác lại được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm” - ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG