Chuyên gia bàn cách cởi trói đầu máy kinh tế

Các diễn giả trao đổi thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân
Các diễn giả trao đổi thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân
TPO - Nhất trí cho rằng doanh nghiệp tư nhân chính là động lực phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia lên tiếng cần cởi trói cho cỗ đầu máy này.

Trong khuôn khổ chương trình Lễ trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2015, ngày 3/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân”. 

Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân đã nhất trí cho rằng doanh nghiệp tư nhân chính là động lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. 

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và hội nhập kinh tế, doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm. 

Đánh giá vai trò động lực của kinh tế tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: “Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân – động lực kinh tế tư nhân”.- ông Lộc khẳng định. 

Ông Lộc cho biết thêm: “Kinh tế tư nhân là kinh tế của toàn dân. Trước đây, chúng ta chiến thắng quân xâm lược bởi chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân. 

Ở thời bình, nếu muốn chiến thắng trên thương trường, thì phải phát triển toàn dân làm kinh tế. Nếu muốn trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta phải phấn đấu sao cho con số 500.000 DN hiện nay phải trở thành 5 triệu DN trong tương lai”.

Trao đổi tại chương trình, ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định bên cạnh sự đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc..., doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài có vai trò, vị thế quan trọng trong việc tạo nên sự phát triển của kinh tế. 
Động lực phát triển kinh tế tư nhân.

Để tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, PGS. TS Vũ Đình Hòe, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. 

Đó có thể là các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp, giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp để kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân… 

Chung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc ví doanh nghiệp là chiến sỹ chiến đấu trên mặt trận hội nhập. Để có thể chiến thắng, các chiến sĩ cần hậu phương vững chắc, đó chính là nhà nước. 

Bên cạnh trách nhiệm, vai trò của Nhà nước trong việc bổ sung, sửa đổi chính sách để hoàn thiện thể chế, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động, có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế; để thể chế (bao gồm thể chế chính thức là luật lệ do nhà nước ban hành; thể chế phi chính thức là chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp) minh bạch, bao dung. 

Ông Cung cũng chỉ ra thực tế hiện nay Luật của Việt Nam gần như không thay đổi, nhưng các thông tư lại thay đổi liên tục, tác động trực tiếp tới tài sản, đến hoạt động kinh doanh, kế hoạch đầu tư, dòng tiền… của doanh nghiệp. “Một thể chế như vậy sẽ tạo cho DN sự bấp bênh, rủi ro lớn, và chi phí tuân thủ cực cao.

Một môi trường như vậy, không thể đầu tư, tính toán dài hạn được. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động thay đổi, chứ không chờ thay đổi” – ông Cung nói.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco Group cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển thì doanh nghiệp tư nhân cần hướng đến tạo ra sản phẩm có ích, có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập, trách nhiệm của DN càng được đề cao trong việc đầu tư công nghệ, quản trị, dịch vụ, văn hóa. “Sản xuất gì cũng được, kinh doanh gì cũng được, miễn là tạo ra được sản phẩm có giá trị, qua đó khách hàng sẵn sàng trả cho ta một khoản tiền lớn hơn công sức của ta” – ông Dương nói.

Ngày 4/10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2015, tôn vinh 200 thương hiệu tiêu biểu trong toàn quốc, có nhiều dóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước và nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

MỚI - NÓNG