Chuyên gia chê biểu giá điện của EVN

Giá điện mới của EVN bị các chuyên gia chê thiếu khách quan.
Giá điện mới của EVN bị các chuyên gia chê thiếu khách quan.
TPO - "Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện mà EVN vừa công bố là thiếu khách quán, bất hợp lý; Phương án đồng nhất giá điện 1.747 đồng/kWh  chỉ có lợi cho EVN chứ không có lợi cho người tiêu dùng", nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng về biếu giá điện mới của EVN

Thiếu khách quan, minh bạch


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các chuyên gia và cộng đồng.  

Theo đó, EVN dự kiến sẽ cải tiến, sắp xếp lại biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án: 

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành 

Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh 

Phương án 3: EVN đề xuất rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc.  

Đánh giá về đề án mới này ý kiến cho rằng EVN là doanh nghiệp đang tham gia sản xuất kinh doanh mà lại xây dựng biểu giá điện là thiếu khách quan. 

Đã thế, phương án 1 giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành là bảo thủ, phi lý vì giá điện cũ bất hợp lý mới cần phải thay đổi song bây giờ lại cố tình muốn giữ nguyên. 

Biểu giá 6 bậc “ruộng bậc thang” hiện tại bất hợp lý đến mức chính Bộ trưởng Công Thương- Vũ Huy Hoàng cũng xác nhận rằng biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã “không còn hợp lý với tình hình hiện tại và trước mắt”. Trên báo Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng tính toán với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, nếu dùng sau 400 kWh, thì giá điện sẽ cao hơn các mức bình quân khoảng 1.000 đồng mỗi kWh. Từng có thời gian làm Chủ tịch EVN, song ông Vượng cũng cho rằng biểu giá hiện có nhiều bậc thang khác khau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền “chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng”.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nếu giữ nguyên thì phải thay đổi hệ số, ví dụ bậc từ 101-200 kWh tăng 9% so với bình quân, 201-301 kWh tăng 38% so với bình quân, 301-401kWh tăng 54%, trên 400kWh tăng gần 60%; nếu giữ nguyên phải xây dựng hệ số khác.

Trong khi đó, phương án 2 mà EVN đưa ra với điện đồng giá 1747 đồng/kWh sẽ đồng nghĩa với việc điều chỉnh giá điện tăng 7,7%. Bởi vì giá hiện nay chỉ 1.622 đồng/kWh. 

"Nguyên tắc trong điều chỉnh giá điện là độc quyền phải do Thủ tướng quy định. Vô hình chung, với phương án này thì đồng nghĩa với tăng giá điện trong khi EVN vừa công bố là không tăng đến cuối năm", ông Long nói.

Chỉ có lợi cho EVN 

Đối với mặt hàng điện, cung không đủ cầu do đó không khuyến khích sử dụng nhiều nên áp dụng cách tính luỹ tiến, bậc thang để càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền. 

Trong khi trên thị trường các mặt hàng khác càng dùng nhiều càng phải trả tiền ít, mặt hàng điện quan điểm cung không đủ cầu nên phải dùng luỹ kế. Do đó không đồng nhất giá điện được. 

Theo Báo điện tử Một thế giới, xã hội có nhiều người nghèo, Chính phủ luôn bảo hộ, tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên với việc áp giá điện đồng giá thì vô hình chung người nghèo lại phải trả cho người giàu. 

Báo này đưa lời chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, với phương án 3, rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc, mỗi bậc có 5 kịch bản. Tuy nhiên, EVN vẫn tiếp tục tính giá mỗi bậc là 1.747 đồng/kWh cho nên cần phải rút bớt hệ số trong bậc tiêu dùng phổ biến 100-300kWh. 

"Muốn đề xuất thì phải tính, dựa trên phương án càng chia nhỏ càng tốt, ví dụ 6 bậc là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn hiện nay", ông Long cho biết. 

Đánh giá một cách tổng quát về 3 phương án do EVN đề xuất, nhiều chuyên gia nhận định về cơ bản là xây dựng thiếu khách quan giống như trước đây xây dựng 6 bậc thang, nên sau một thời gian sử dụng phải xây dựng lại.  

"Với 3 phương án này sẽ có lợi cho EVN hơn là có lợi cho người tiêu dùng. Nếu xây dựng các phương án này, EVN phải chứng minh được có lợi cho người tiêu dùng như thế nào. Cần phải xây dựng phương án trên nguyên tắc không khuyến khích sử dụng nhiều, đảm bảo chính sách xã hội với người nghèo", ông Long nói.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ đưa ý kiến của ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho rằng không nên giữ nguyên biểu giá hiện hành cũng không nên chỉ có một biểu giá duy nhất là 1.747 đồng/kWh vì nếu chỉ còn một bậc thang mà lại ở mức giá cao 1.747 đồng/kWh thì người nghèo, người thu nhập thấp rất thiệt thòi.

Trong khi đó,  PGS.TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, cần ghi nhận EVN đã lắng nghe dư luận nhưng ba phương án đưa ra đều không hiệu quả.

“Phương án giữ nguyên thì xem như không ý nghĩa gì. Phương án đồng giá cũng chả nói lên được gì, thậm chí là bước thụt lùi so với trước đây. Phương án ba nghe có vẻ hợp lý hơn cả nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy đây chỉ là việc cắt xén lại biểu giá trước để đảm bảo nguyên tắc có bậc và EVN không giảm thu, có khuyến khích tiết kiệm nhưng không giải quyết vấn đề căn bản của biểu giá điện bậc thang lũy tiến hiện nay”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.