Chuyên gia hiến kế cách ngăn đường cao tốc vừa xây đã sụt lún

Chuyên gia hiến kế cách ngăn đường cao tốc vừa xây đã sụt lún
TPO - Ngày 2/11, tại Hội thảo Phòng - chống sụt trượt bờ dốc nền đường đào sâu để phát triển bền vững diễn ra tại trường đại học Giao thông vận tải, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã phân tích về thực trạng sụt trượt nền đường đào trên các tuyến đường cao tốc thi công gần đây và các giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật, trường Đại học GTVT, thời gian gần đây, tại một tuyến đường cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Đà Nẵng – Quãng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, hay cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Bắc Giang – Lạng Sơn ...., hiện tượng sụt trượt bờ dốc xảy ra rất phổ biến tại các vị trí nền đường đào cắt qua khu vực đồi hay núi.

“Vấn đề này không chỉ xảy ra trong quá trình thi công đường mà còn xảy ra sau khi vừa hoàn hay mới chỉ đưa vào khai thác 3-4 tháng. Riêng mùa mưa năm 2018, hàng chục điểm sụt trượt có quy mô khác nhau phát sinh trên các tuyến đường cao tốc mới cũng như đang thi công xây dựng”, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh cho biết.
Chuyên gia hiến kế cách ngăn đường cao tốc vừa xây đã sụt lún ảnh 1 Các đại biểu đang trình bày về các biện pháp gia cố bờ dốc để tránh sụt lún khi xây dựng đường cao tốc
Với hàng loạt các tuyến đường cao tốc mới sẽ được xây dựng thời gian tới như: Đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị, Lạng Sơn – Cao Bằng, Vân Đồn – Móng Cái, Lào Cai – Lai Châu, Hòa Bình – Sơn La … các đại biểu cho rằng vấn đề lựa chọn giải pháp, thay đổi tư duy thiết kế, tìm kiếm áp dụng công nghệ thi công hợp lý để hướng tới giảm thiểu sụt trượt bờ dốc, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển bền vững là rất cấp bách. 

Theo ông Mạnh, việc xây dựng các đường cao tốc sắp tới cần đề cao việc “phòng” sụt hơn “chống” sụt trượt. Việc này có thể làm tăng chi phí xây dựng ban đầu nhưng lại hiệu quả hơn khi sự cố sụt trượt xảy ra và tính tổng thể lại rẻ hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công cần đề cao vai trò chuyên môn của người thực hiện và đưa ra các giải pháp thiết kế linh hoạt. Từng bước điều chỉnh hệ thống quy định liên quan đến khảo sát, thiết kế thi công và quản lý.

Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gia cố và bảo vệ bờ dốc nền đường đào tại Việt Nam, ông Trần Thanh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam cho biết, cần phải lựa chọn các giải pháp gia cố linh hoạt và căn cứ theo điều kiện địa chất thực tế để xây dựng các phương án khác nhau, tránh việc “thiết kế định hình máy móc”. Đồng thời, cần phải có các đơn vị chuyên nghiệp về gia cố và bảo vệ bờ dốc để thực hiện việc thiết kế, thi công.
Đại diện từ Nhật Bản cũng đã chia sẻ về việc thi công gia cố bờ dốc bằng công nghệ neo cáp dự ứng lực vĩnh cửu. Tuy giá thành cao, nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội, các công ty của Việt Nam có thể áp dụng công nghệ này xây để dựng đường cao tốc chất lượng tốt hơn trong điều kiện  nhiều đoạn đường đi qua địa hình đồi núi.    
MỚI - NÓNG