Chuyên gia hiến kế để Việt Nam tăng trưởng bền vững

TP - Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, các chuyên gia đã bàn cách mổ xẻ nhằm tìm ra mô hình tăng trưởng kinh tế hiệu quả nhất nhằm vừa đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh vừa bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2017, Việt Nam vượt qua nhiều thách thức để đạt tăng trưởng 6,81%. Trên một nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn với các chỉ báo kinh tế (như lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách, cán cân thương mại, hiệu quả đầu tư) đều được cải thiện. Điều này không chỉ cho thấy những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam, mà còn giúp chúng ta thấy được đâu là những trụ đỡ, động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Dù đạt kết quả vượt bậc nhưng chúng ta phải thận trọng đánh giá xem độ bền vững của những động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn là gì. Từ đó, để xác định xem chúng ta cần làm gì để củng cố những động lực đó trở thành lợi thế bền vững trong dài hạn, thay vì phụ thuộc vào những lợi thế so sánh vẫn thường nhắc đến như: nhân công lao động dồi dào, giá rẻ hay tài nguyên thiên nhiên phong phú”, ông Bình cho biết.

Theo người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương, một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả là Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp năng lượng bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý, đảm bảo môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua và chúng ta đang phải đối mặt với thách thức sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu sang một nước phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.  Cùng quan điểm, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đánh giá, ngành năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá - một trong những tài nguyên tác động tiêu cực cho thế giới. Nhiều quốc gia dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá.

“Việt Nam hiện có tài sản lớn mà thiên nhiên ưu đãi như bức xạ mặt trời, gió và sinh khối lớn. Việt Nam đã có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, dựa trên các điều kiện tự nhiên sẵn có, Việt Nam cần trở thành mô hình của các quốc gia khác về năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bình nêu vấn đề, năm 2018, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro thương mại và đầu tư. Đặc biệt, với chất lượng dòng chảy thông tin, cơ quan quản lý cần hướng tới chuẩn mực quốc tế trong đó có Basel II. Từ đó, góp phần giúp các nhà đầu tư, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường tài chính Việt Nam.

MỚI - NÓNG