Chuyển giao quyền thu phí QL 5: Bộ chậm, doanh nghiệp khổ

Chuyển giao quyền thu phí QL 5: Bộ chậm, doanh nghiệp khổ
TP - Kể từ ngày Bộ GTVT phê duyệt quyết định trúng thầu đến nay đã hơn hai năm, song việc chuyển giao quyền thu phí QL5 vẫn chưa có hồi kết.
Chuyển giao quyền thu phí QL 5: Bộ chậm, doanh nghiệp khổ ảnh 1
Đến bao giờ việc chuyển giao quyền thu phí QL 5 mới kết thúc?

Tháng 10/2005, Bộ GTVT quyết định phê duyệt trúng thầu 2 trạm thu phí QL5 với giá trúng thầu 431,4 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 5 năm.

Đơn vị trúng thầu là Cty quản lý, sửa chữa đường bộ 234 (Cty 234). Tuy nhiên, do có nhiều thay đổi như: vị trí trạm thu phí di chuyển đến địa điểm mới, không thu phí xe máy...và đặc biệt là việc thay đổi tên nhà thầu (Cty 234 chuyển thành Cty cổ phần) nên gần 2 năm vẫn chưa thực hiện được việc ký hợp đồng.

Tháng 3/2007, tức là sau gần 2 năm trúng thầu, Bộ GTVT mới có văn bản chỉ đạo Cục Đường bộ ký hợp đồng với nhà thầu. Thế nhưng theo quy định tại hồ sơ mời thầu thì trong vòng 5 ngày kể từ ngày Bộ GTVT công bố quyết định trúng thầu, nhà thầu phải nộp giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng bằng 10% giá trị hợp đồng, ký hợp đồng.

Vì lẽ đó, sau hai năm trúng thầu mà chưa ký hợp đồng là vi phạm. Ngày 3/5/2007, báo Tiền phong đã có bài viết về vấn đề này. Ngày 11/5/2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ GTVT xem xét giải quyết vấn đề báo Tiền phong nêu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 13/7/2007, Bộ GTVT có văn bản số 4356 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền thu phí sau khi điều chỉnh lại một số nội dung như: Cho phép kéo dài hiệu lực của hồ sơ mời thầu đến khi ký kết xong hợp đồng.

Về thời hạn thực hiện hợp đồng được điều chỉnh như sau: Trạm số 1, giá trúng thầu giữ nguyên là 236 tỷ đồng nhưng thời hạn giảm còn 59 tháng, 16 ngày (trước đây là 60 tháng). Tương tự, với trạm số 2, giá trúng thầu giữ nguyên là 195,4 tỷ đồng. Thời gian rút xuống là 59 tháng, 12 ngày (trước đây là 60 tháng).

Ngày 24/8/2007, Bộ KHĐT cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT trình Thủ tướng cho phép kéo dài hiệu lực của hồ sơ dự thầu, Bộ GTVT xác định thời hạn để các bên liên quan thực hiện; đồng thời thống nhất phương án chuyển quyền thu phí như kiến nghị của Bộ GTVT.

Vậy nhưng, trước đó 2 ngày (ngày 22/8/2007), Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ GTVT đưa ý kiến: “ Tại cuộc họp ngày 17/7/2007 (bàn về huy động vốn cho dự án BOT Hà Nội - Hải Phòng), Bộ GTVT đề nghị chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với 2 trạm thu phí trên QL 5 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tạo vốn cho dự án BOT xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”.

Ngày 12/10/2007, Bộ GTVT có văn bản phúc đáp Bộ Tài chính khẳng định: “Về phương án tài chính đầu tư và thu hồi vốn của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hiện nay vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, Bộ GTVT chưa có ý kiến chính thức và cũng chưa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ”.

Tại văn bản này, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính tách việc chuyển giao quyền thu phí với việc hỗ trợ hoàn vốn cho dự án thành hai nội dung riêng biệt. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về phương án của Bộ GTVT tại văn bản 4356 ngày 13/7/2007 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao quyền thu phí đường bộ 2 trạm thu phí trên QL5 sớm...

Hơn một tháng trôi qua, đến nay Bộ Tài chính  vẫn chưa có ý kiến tiếp khiến việc bàn giao quyền thu phí không thực hiện được. Trong khi đó, doanh nghiệp đang gồng mình gánh khoản nợ hàng chục tỷ đồng và khoản lãi vay cả chục triệu đồng mỗi ngày (do vay tiền nộp bão lãnh hợp đồng).

MỚI - NÓNG