Chuyện nhà băng: Ghế nóng

Chuyện nhà băng: Ghế nóng
TP - Hôm thứ hai đầu tuần rồi một lần nữa lần thứ hai trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (và cũng qua lần 2 trước phiên họp toàn thể của Quốc hội), người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa đăng đàn trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn kết thúc với 19 đại biểu Quốc hội đã đặt 37 câu hỏi đối với Thống đốc. Tất cả những câu hỏi đều “xộc” thẳng vào những “điểm” nóng đang hừng hực trước công luận như: hạn chế tồn tại trong hợp đồng tín dụng, nợ xấu, tái cơ cấu, cơ chế nào cho VAMC…

Nhìn lại phần trả lời của Thống đốc, ngay khi đó một đại biểu trực tiếp ngồi phiên chất vấn nói: “Phần trả lời của Thống đốc bám sát câu hỏi, phần đầu của buổi chiều hơi dài, nhưng phần cuối buổi chiều, sau giải lao, Thống đốc đã đi thẳng vào vấn đề”.

Trong số các Bộ trưởng nhiệm kỳ này, có lẽ ông Bình đang là người giữ kỷ lục về số lần đứng trước các đại biểu của dân. Việc này thực ra cũng không lạ bởi ghế ngồi luôn nóng và rất nóng.

So với các lĩnh vực khác, ngân hàng xưa nay trong tiềm thức của nhiều người vốn là “miền đất mát”! Với vô số những ngổn ngang về lãi suất cao thắt cổ doanh nghiệp, vàng đô la hóa tràn lan hành hoành thị trường; sở hữu chéo rối rắm như mạng nhện, nợ xấu ngày một “đùn” đống lên cao ngay khi tiếp quản (trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước rơi vào suy thoái), rõ ràng là với vị trí “tư lệnh ngành”, ông Bình buộc phải chứng minh bản lĩnh và năng lực.

Dù vốn được ví là “huyết mạch” của cơ thể nền kinh tế nhưng bởi đặc thù “mạch” luôn trong tình trạng trầm rất khó tìm ven cũng như trước tính phức tạp của hệ thống ngân hàng, mà không ít lần công luận, người dân, doanh nghiệp từng hoài nghi đặt câu hỏi: liệu Thống đốc Bình có đủ “trình”, đủ bản lĩnh và năng lực để xử lý rốt ráo bức tranh tiền tệ.

Ghế Thống đốc tích tụ độ nóng, không chỉ thời ông Bình mà từ các bậc tiền nhiệm như Thống đốc Cao Sỹ Kiêm; Thống đốc Lê Đức Thúy, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Hơn hai năm trôi qua, cho đến giờ này, không phải tất cả những gì ngành ngân hàng đã làm đều có thể kết luận ngay là được.

Nhưng một cách sòng phẳng cũng nên dành một cái nhìn “thiện cảm” hơn để ghi nhận và khích lệ những cố gắng và nỗ lực của cả một tập thể hàng chục vạn con người đã căng sức mình suốt thời gian dài qua góp phần cho bức tranh kinh tế ngày một sáng.

Kết thúc phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Qua trả lời cho thấy Thống đốc rất nghiêm túc và có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.” Ghi nhận ấy có là tín hiệu mát lành hạ nhiệt cho chiếc ghế nóng đang ngày càng nóng hơn?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.