Có bị bệnh thành tích?

Có bị bệnh thành tích?
TP - Thiếu một “bà mối” để kết nối với đơn vị bao tiêu sản phẩm, gần như cánh đồng mẫu lớn (CĐML) chỉ đi được một nửa; nông dân thiếu niềm tin để sản xuất. Dường như nhiều địa phương làm theo phong trào để có thành tích, thậm chí lấy lòng lãnh đạo.

> Nỗi lo tư duy tiểu nông sau cánh đồng mẫu lớn
> Nghĩ cách 'đột phá' vốn cho nông nghiệp ĐBSCL

Vì sao nửa đường đứt gánh?

Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) được xem là đơn vị xây dựng CĐML hoàn thiện ở miền Nam, nhưng khi tiên phong “bê” mô hình này ra Bắc, cũng phải đứt gánh giữa đường. Ông Nguyễn Viết Sáu, Phó Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của AGPPS cho biết: Sau khi triển khai 3 vụ lúa (đông xuân 2011-2012, vụ mùa 2012 và vụ đông xuân 2012-2013) trên diện tích khoảng 50 ha CĐML ở Vũ Thư (Thái Bình) đã phải tạm dừng mô hình này ở miền Bắc.

Theo ông Sáu, khâu khó nhất chính là đầu ra cho sản phẩm. Hiện, các công ty tổ chức CĐML ở miền Bắc, phần lớn chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Việc này, một mình doanh nghiệp (DN) triển khai không thể làm được, mà cần có sự hỗ trợ, kết nối từ chính quyền địa phương. “Có thể DN triển khai làm CĐML có ý tốt khi hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tiến bộ hơn. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không có người mua, hoặc giá không cao hơn so với sản xuất thường, nông dân phàn nàn, DN hỗ trợ cũng ít nhiều mang tiếng”- ông Sáu nói.

Ông Sáu cho rằng, ở miền Bắc, ruộng đất manh mún là một nhẽ; nông dân còn nặng tính bao cấp, trông chờ hỗ trợ; mỗi người gieo một kiểu trên ruộng của mình, nên rất khó hình thành thói quen sản xuất hàng hóa. Theo ông, cùng với việc tắc phần bao tiêu, ở miền Bắc “nở” ra nhiều “dị bản” về CĐML. Theo đó, chỉ cần cùng gieo sạ, hay cùng sử dụng một loại phân bón… cũng gọi là CĐML. Từ đó dẫn tới việc đánh đồng với mô hình “chuẩn” của AGPPS, nên tạm dừng triển khai.

Lãnh đạo một DN tham gia cung ứng vật tư cho CĐML thông tin, ở miền Bắc, nhiều tỉnh đang chạy theo phong trào, lấy thành tích, chứ chưa để ý thực sự đến lợi ích thiết thực của nông dân. Một số DN bao tiêu một phần cho nông dân cũng để “lấy lòng” lãnh đạo tỉnh, chưa nghĩ đến cách liên kết lâu dài.

Nỗi lo “đầu ra”

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT - IPSARD (Bộ NN&PTNT) cho biết, hầu hết CĐML làm từ năm 2011 tới nay, chỉ mới lo được đầu vào, là “cùng trà, khác thửa” do các DN phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thực hiện. Còn đầu ra vẫn là một vế trống. “Do đầu ra không đảm bảo, người làm tốt, làm dở như nhau, nên người dân sau 1-2 vụ cũng chán. DN cũng chạy, liên kết sẽ vỡ”- ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện chưa có cơ chế để DN “đầu vào” và DN “đầu ra” đến với nhau. Nông dân cũng chưa tổ chức kinh tế hợp tác quy củ. “Nông dân phải đến với DN, còn DN đầu vào đến với DN đầu ra; nông dân cũng xích lại với nhau. Xử lý cả 3 mối quan hệ đó, CĐML mới chạy được. Bây giờ phải có người làm “bà mối”, nhưng đừng ép họ lấy nhau. Mà thấy hợp, thấy quyền lợi, họ sẽ nên duyên. Cái này địa phương có thể giúp họ cách thức hợp tác”- ông Tuấn ví von.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng GĐ Tổng Cty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, mô hình liên kết sẽ là hướng chủ đạo, bền vững trong thời gian tới. “Mô hình này gồm đơn vị cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, DN xuất khẩu. Đơn vị xuất khẩu gạo đặt hàng, vụ này sản xuất giống gì, rồi bao tiêu cho nông dân. Người nông dân không phải lo về tiêu thụ, cũng không nên phá hợp đồng và DN xuất khẩu phải giữ cam kết. Từ đó mới có thể mở rộng đại trà cả triệu ha”- ông Phong nói.

Theo lãnh đạo VFA, trong vụ đông xuân tới, các DN xuất khẩu gạo (thuộc VFA) sẽ phối hợp với các Sở NN&PTNT, chính quyền huyện, xã chọn 1-2 điểm tổ chức mô hình (Tối thiểu là 200 ha, trung bình 400-500 ha). Trước mắt, sẽ chọn nơi nào có HTX, tổ đội sản xuất sẵn để ký liên kết sản xuất. Theo ông Phong, đầu tư mô hình CĐML như AGPPS cũng tốt, nhưng chỉ làm trong diện tích nhất định, khó mở rộng. Các DN xuất khẩu gạo khó làm được giống như mô hình trên vì không chuyên sâu.

Lãnh đạo VFA cho rằng, với mô hình liên kết trên, phải chọn lựa lực lượng thương lái có kinh nghiệm, uy tín, hiểu biết địa phương, đầy đủ phương tiện vận chuyển. Đây cũng là lực lượng theo dõi sát, biết nông dân thu hoạch ngày nào để vào mua. “Tuy nhiên, cách mua của ông thương lái này khác với trước đây, không phải thích mua bao nhiêu thì mua, phải theo hợp đồng mà DN xuất khẩu đã ký với nông dân. Trường hợp bốc xếp, vận chuyển, phơi sấy, hoặc xay xát, đem gạo cho DN xuất khẩu luôn, sẽ được trả phí”- ông Phong nói.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), khi làm CĐML, Đồng bằng sông Cửu Long định hướng tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao. Lộ trình sẽ theo 3 bước: Xây dựng CĐML; xây vùng nguyên liệu lúa hàng hóa; và làm thương hiệu lúa gạo từ vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP (tiêu chuẩn Việt Nam). Các vùng khác mở rộng áp dụng đối với lúa gạo chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài cần gạo đặc sản; ưu tiên tập trung vùng quy hoạch 300 nghìn ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Hồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.