Có cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không

Có cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không
Những cuộc rượt đuổi về giá trong thời gian vừa qua cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Pacific Airlines và Vietnam Airlines - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Tiến Sâm cho biết.
Có cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không ảnh 1
Có cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không

Tuy nhiên, ông Sâm cũng khẳng định, sẽ không can thiệp vào vụ việc này. Theo ông Sâm, hiện nhà nước chỉ khống chế giá trần, có nghĩa là các hãng không được phép nâng giá vé khứ hồi Hà Nội - TPHCM quá 3 triệu đồng, còn giảm giá vé càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn.

Đề cập đến dịch vụ mặt đất, phục vụ hàng hóa, cung ứng suất ăn và cung ứng xăng dầu hiện vẫn còn tình trạng độc quyền, Thứ trưởng cho biết đang thực hiện mở cửa dần. Chẳng hạn, tại TPHCM, Công ty xăng dầu Quân đội, xăng dầu Petro đã được cấp phép nhập xăng trắng về phục vụ hàng không, nhưng họ chưa làm xong thủ tục.

Những dịch vụ như suất ăn, Pacific Airlines có thể mua ở đơn vị khác nếu giá thấp hơn. Còn những lĩnh vực khác như quản lý mặt đất đều có chế độ thu chi, phân phối rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Sâm cũng thừa nhận những cuộc rượt đuổi về giá trong thời gian vừa qua cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, vì hiện nay bản thân Vietnam Airlines cũng bị lỗ với các đường bay trong nước. Cục Hàng không dân dụng sẽ nhắc nhở hãng hàng không quốc gia lưu ý vấn đề này.

Về phần mình, Pacific Airlines cho biết, họ buộc phải lên tiếng bởi bị ép quá nhiều. Đơn cử như dịch vụ xe buýt chở khách, xe chở hành lý từ nhà chờ ra máy bay Pacifics Airlines muốn trang bị riêng, nhưng Vietnam Airlines viện cớ lượng xe đang hoạt động đã đủ để buộc họ phải dùng chung và thu phí cao. Cùng mua xăng dầu tại công ty xăng dầu hàng không nhưng Vietnam Airlines được kéo dài thời hạn trả còn Pacific Airlines thì không.

Riêng chính sách giá thì Pacific Airlines không thể cầm cự được nữa vì Vietnam Airlines đã liên tục giảm giá trên 3 đường bay họ đang khai thác là Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đài Loan. Ngày 4/11/2005, Pacific Airlines mở đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, trong điều kiện giá nhiên liệu cao thì chưa giảm giá đã lỗ. Đúng ngày hãng này khai trương, Vietnam Airlines đã thực hiện đại hạ giá, giảm tới 50%.

Pacific Airlines cho rằng trên đường bay nội địa, Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp vận tải hàng không có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm 75% thị phần), việc hãng hàng không quốc gia giảm giá vé ồ ạt trên cùng đường bay với đối thủ yếu hơn là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Một quan chức Bộ Tài chính - cơ quan quản lý phần vốn nhà nước tại Pacific Airlines - cho hay, bản thân Bộ này không muốn giữa hai hãng có mối bất hòa. Trước bối cảnh kinh doanh hàng không ngày một khó khăn, hai bên nên ngồi lại với nhau để tìm biện pháp tháo gỡ. Biện pháp khả thi nhất là đề nghị Chính phủ cho nâng trần giá vé để có thể điều hànhchính sách giá linh hoạt hơn.

Pacific Airlines đang khó khăn về tài chính, đàm phán góp vốn với Temasek vẫn chưa hoàn thành, gần một năm sau ngày thương thuyết phía VN chưa nhận được đồng vốn nào từ phía đối tác Singapore. "Sau thời gian cải tổ lại, hãng mới thoát khỏi tình hình nguy kịch chứ chưa có lãi", quan chức trên nói.

Về phía Vietnam Airlines, Trưởng ban tiếp thị hành khách Trịnh Hồng Quang cho rằng, nói hãng này vi phạm Luật Cạnh tranh là không có cơ sở vì thực ra họ không giảm giá vé mà chỉ là đa dạng hóa giá vé để thu hút khách hàng."Phí xăng dầu và lương nhân công chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá vé, còn những vấn đề như suất ăn hay phí quản lý mặt đất chỉ chiếm phần nhỏ. Nếu nói chúng tôi vi phạm luật, chả nhẽ tôi phải sang tận Thái Lan để kiện các hãng giá rẻ khi họ đưa ra giá thấp hay sao?", ông Quang nói.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG