Có hiện tượng rửa tiền qua chứng khoán

Có hiện tượng rửa tiền qua chứng khoán
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Phùng Khắc Kế, nguồn vốn nội địa đổ vào chứng khoán hiện nay có một phần được hình thành từ tiền thất thoát ngân sách, tham nhũng và là một yếu tố thúc đẩy sự nóng lên của thị trường thời gian qua.
Có hiện tượng rửa tiền qua chứng khoán ảnh 1
Sàn chứng khoán luôn sôi động với trung bình 1000 tỷ đồng giao dịch mỗi ngày. Ảnh TPO.

Ông Kế đã trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Đầu tư VN thường niên lần thứ 2, nơi hội tụ hàng trăm nhà đầu tư quốc tế đến bàn thảo về vấn đề nguồn vốn cho tăng trưởng ở VN. Tại phiên thảo luận thứ nhất diễn ra hôm 19/3, Phó thống đốc đã phát đi thông điệp về việc mở cửa thị trường ngân hàng theo các cam kết WTO.

- Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất báo cáo về hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở các ngân hàng. Ông đánh giá thế nào, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán phát triển nóng như hiện nay?

- Những số liệu công bố trong báo cáo cho thấy tỷ trọng vốn cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán rất nhỏ, không đáng kể. Nguồn vốn cho vay đó đã được đảm bảo bằng các tài sản thế chấp nhất định. Trong quá trình cho vay, các ngân hàng vẫn chú ý đến việc đảm bảo an toàn, tùy theo chất lượng và mức độ uy tín của các cổ phiếu mà cho vay ở mức nhất định. Tóm lại, việc dư luận cho rằng các ngân hàng thương mại cho vay quá nhiều vào lĩnh vực chứng khoán là không hoàn toàn chính xác.

- Thị trường chứng khoán và tiền tệ có mối quan hệ rất chặt chẽ. Từ góc độ quản lý nhà nước về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị gì để đảm bảo hai thị trường này vận hành đúng hướng?

- Thị trường chứng khoán VN đang trong giai đoạn đầu, cung ít, cầu nhiều, chỉ số có thể tăng đến mức tương đối nóng. Song tôi cho đó là điều bình thường, không có gì đáng ngại. Đi kèm với các yếu tố như lạm phát, đồng tiền mất giá thì chỉ số cũng phải tăng lên, từ con số ban đầu là 0 rồi lên đến các mức 500, 700 hay 1.000 điểm cũng không phải có gì ghê gớm.

Ở những thị trường phát triển lâu năm thì con số của họ còn lên đến vài chục nghìn. Chính vì thế, từ phía ngân hàng, chúng tôi cho rằng không có gì quá rủi ro. Khi có thêm kênh huy động trung và dài hạn là thị trường chứng khoán sẽ làm giảm bớt rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Có hai nguồn tiền đang đổ vào chứng khoán, gồm trong nước và ngoài nước. Nhưng điều đáng nói nguồn trong nước có cả phần hình thành từ tiền thất thoát, tham nhũng. Với con số thất thoát nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà thanh tra nêu là 10% thì rõ ràng lượng đổ vào thị trường cũng rất lớn.

Ví dụ một năm đầu tư 200.000 tỷ đồng, thất thoát 20.000 tỷ đồng. Những con số này là một yếu tố thúc đẩy sự nóng lên của thị trường trong thời gian qua.

- Hiện tượng mà ông nêu có thể tương tự như hành vi rửa tiền và rất khó phát hiện nguồn gốc nếu đó là giao dịch trên thị trường OTC. Vậy biện pháp ngăn chặn từ phía ngân hàng là gì?

- Đúng như vậy. Tôi cho rằng cách hữu hiệu nhất là ngăn chặn ngay từ bây giờ, từ gốc. Nếu để xảy ra rồi rất khó truy cứu, khó tìm ra nguyên nhân. Điều quan trọng bây giờ là phải ngăn chặn, làm giảm tỷ lệ thất thoát, thông qua đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, chỉ có thể tham gia thông qua việc phục vụ thanh toán cho nền kinh tế tốt hơn, phục vụ việc mở tài khoản cho người dân một cách tốt hơn để mọi việc thanh toán, di chuyển đồng vốn đều thể hiện qua ngân hàng.

- Xin cho biết quan điểm của ông về việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài?

- Thực ra, trước đây Ngân hàng Nhà nước đã xem xét liệu có nên ban hành một quy định tạm thời về việc quản lý nguồn tiền ra, vào hay không. Song qua theo dõi, chúng tôi nhận định các nguồn tiền ở nước ngoài đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán khá ổn định và khả năng họ còn tiếp tục đầu tư nữa.

Xét tới điều kiện hiện nay và đặc biệt trường hợp Thái Lan vừa qua cũng là một kinh nghiệm đáng tham khảo khiến VN quyết định chưa áp dụng các biện pháp quản lý vào thời điểm hiện nay.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo quản lý quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó đưa ra các yêu cầu chặt chẽ về quy mô vốn và thời gian hoạt động mà theo một số nhà đầu tư, nếu áp dụng có thể khiến 80% quỹ rút khỏi thị trường VN. Còn ông nghĩ sao?

- Tôi cho đó là những rào cản kỹ thuật hết sức cần thiết mà bất cứ nước ngoài cũng phải áp dụng. Người ta luôn luôn tìm kiếm các nguồn đầu tư và các nhà đầu tư có uy tín, có tiềm lực nhất định. Đây là rào cản về mặt kỹ thuật chứ không phải rào cản về mặt chính sách.

Tất nhiên, theo tôi cách làm sắp tới nên là không áp dụng hồi tố, những quỹ nào đã vào đây sẽ tiếp tục hoạt động mà chịu điều chỉnh bởi quy định mới, chỉ áp dụng với những quỹ bắt đầu gia nhập thị trường phải đạt tiêu chuẩn đó.

Tôi tin Ủy ban Chứng khoán cũng suy nghĩ như vậy. Bởi những quỹ nào đã hoạt động rồi thì không nên gây ra xáo trộn khiến họ có những hoang mang không cần thiết. Những người lúc đầu vào, chúng ta chào đón, quý mến họ mà nay đưa ra những quy định buộc họ phải ra đi thì không đúng đạo lý.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG