Cơ hội của PNTR Việt Nam thêm rộng mở

Cơ hội của PNTR Việt Nam thêm rộng mở
TP - Ngày 20/7, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật Thương mại tự do (FTA) với Oman với số phiếu 221-205. Cùng ngày, UB Tài chính và thuế vụ, nơi sẽ có phiên điều trần dự luật PNTR Việt Nam, cũng đã phê chuẩn Hiệp định thương mại với Peru với tỷ lệ 23-13 phiếu.

Quốc hội Mỹ dưới sức ép của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã chạy đua với thời gian để có thể kịp thông qua 3 dự luật với Việt Nam, Oman và Peru trong những tuần cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ từ tháng 8.

Ba dự luật được Nghị sĩ Jim Ramstad đánh giá là “có ý nghĩa sống còn với các lợi ích chính trị và kinh tế của Mỹ”. Việc dự luật với Oman, Peru được thông qua tại Hạ viện và UB Tài chính thuế vụ Hạ viện trước Việt Nam cũng là điều hiển nhiên, vì nó bắt đầu trước PNTR Việt Nam; trong đó FTA với Oman đã được Thượng viện thông qua từ ngày 29/6…

Dự luật với Oman, Peru vốn gây chia rẽ tại Quốc hội, nhưng cuối cùng vẫn được thông qua tại Hạ viện và phê chuẩn bởi UB Tài chính thuế vụ Hạ viện. Trong khi đó, PNTR Việt Nam lại giành được sự ủng hộ rộng rãi của nghị sĩ thuộc cả hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội nên vấn đề còn lại chỉ là “thời điểm bỏ phiếu”- như Thượng nghị sĩ Max Baucus, nhân vật số 2 tại UB Tài chính Thượng viện, vừa phát biểu.

Tại Thượng viện, ngày 26/7 sẽ kết thúc thời hạn 2 tuần tính từ phiên điều trần để tập hợp kiến nghị, yêu cầu sửa đổi và rất có thể Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu cho PNTR Việt Nam.

Còn tại Hạ viện, sau khi rảnh tay với dự luật của Oman và Peru, mối quan tâm lớn nhất còn lại trước kỳ nghỉ là việc điều trần, bỏ phiếu cho PNTR Việt Nam, dự luật được chính Chủ tịch Tiểu ban Giám sát, thuộc UB Tài chính thuế vụ Jim Ramstad đánh giá là có tác động lớn hơn đối với kinh tế Mỹ so với dự luật của Oman và Peru.

Cơ hội thêm rộng mở, nhưng rào cản vẫn còn. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch UB Tài chính Thượng viện, Thượng nghị sĩ Charles Grassley cho biết, vẫn có một số thành viên nêu vấn đề tự do tôn giáo để không tiến hành bỏ phiếu sớm PNTR Việt Nam.

Mặt khác, rào cản lớn nhất chính là vấn đề thời gian vì Hạ viện sẽ bắt đầu kỳ nghỉ sau ngày 31/7, còn Thượng viện sau ngày 7/8.  

MỚI - NÓNG