Cơ hội đầu tư sau COVID-19: Biến nguy thành cơ

Nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước đẩy mạnh mở rộng nhà máy, đầu tư dây chuyền mới. Ảnh chụp tại Nhà máy Bus Thaco ở Chu Lai, Quảng Nam
Nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước đẩy mạnh mở rộng nhà máy, đầu tư dây chuyền mới. Ảnh chụp tại Nhà máy Bus Thaco ở Chu Lai, Quảng Nam
TPO - Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện nay sau đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra nhiều xu hướng, cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Tận dụng tốt điều này sẽ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt biến “nguy” thành “cơ” trong bối cảnh “bình thường mới” trong và sau đại dịch.

Nhiều chuỗi cung ứng chuyển dịch về Việt Nam

Chia sẻ tại tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay 12/11, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh về cơ hội đầu tư dựa trên sự điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quý III/2020, các yếu tố tổng cầu tại Việt Nam như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi. Theo đó, trong dài hạn, đại dịch sẽ đi qua, các doanh nghiệp cần đổi mới để đón cơ hội, đặc biệt ở các ngành mà Việt Nam có lợi thế như nông nghiệp, điện tử, …

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.

Theo khảo sát của Gartner (5/2020), có tới 1/3 doanh nghiệp đầu chuỗi đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc. Tổ chức xúc tiến Nhật Bản – JETRO (7/2020) cũng chỉ ra rằng, đã có khoảng 30 doanh nghiệp Nhật Bản công bố dự kiến rời chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, 15 trong số đó sẽ sang Việt Nam.

“Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình chuyển dịch thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm, các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt để đón và tận dụng cơ hội này”, ông Lực cho hay.

Theo ông Lực, bối cảnh thế giới cũng ghi nhận nhiều thay đổi từ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kết kinh tế thay đổi cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư, nhất là việc hồi hương của nhiều doanh nghiệp. Việc thay đổi chính sách tài chính và tiền tệ cũng trực tiếp tác động đến môi trường đầu tư.

Chính sách tiền tệ và tài khóa của các nước trên thế giới đã bơm ra bình quân 12,5% GDP. Việt Nam bơm 3% GDP giúp thanh khoản rất dồi dào và là một trong các nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tăng và thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư mới.

Bùng nổ thương mại điện tử

Theo các chuyên gia, Việt Nam với khoảng 64 triệu người sử dụng internet và gần 60% người dân sử dụng mạng xã hội, đang đứng trước cơ hội lớn để kết nối, tham gia vào xây dựng, phát triển nền kinh tế số cũng như mạng lưới thương mại điện tử mà Chính phủ đề ra.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương (Chủ tịch EY Việt Nam) thống kê, kinh tế số và thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng từ 20% - 30%/năm trong những năm vừa qua. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự kiến doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử sẽ đạt 13-15 tỷ USD vào năm 2020.

“Nếu mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang là ví dụ cho thành công bước đầu của việc kết nối các cá nhân, doanh nghiệp vào hoạt động kinh tế số, thì việc phát triển các nền tảng kinh tế ngang hàng, kinh tế chia sẻ trong tương lai sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội hơn nữa”, bà Dương phân tích.

Theo bà Dương, thời điểm giãn cách xã hội (tháng 4/2020) đã xúc tác tốt cho tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam, khi thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi. Kinh tế số có nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên, nhà đầu tư vào lĩnh vực này đang vấp phải 3 vấn đề: thiếu thông tin; thông tin nhiễu; tâm lý đám đông.

Chủ tịch E&Y Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc các chi phí cũng như nguồn thu tương ứng với tài sản, rủi ro khi cung cấp tài sản; các biện pháp phòng tránh rủi ro tương ứng; vấn đề về cạnh tranh trên thị trường số so với thị trường vật lý; quyền sở hữu trí tuệ (nếu cần thiết); vấn đề an toàn bảo mật thông tin và sự uy tín của đơn vị kết nối.

MỚI - NÓNG