Cơ hội và nhiều thách thức với lao động Việt Nam

Cơ hội và nhiều thách thức với lao động Việt Nam
TP - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, lao động có chuyên môn sẽ được tự do di chuyển và làm việc tại các nước thành viên, đây là cơ hội nhưng cũng tạo sức ép không nhỏ với thị trường lao động Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, khi AEC hình thành sẽ tạo ra khoảng 60 triệu việc làm mới trong khu vực. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa, vào AEC thị trường sẽ được mở rộng, sản xuất phát triển sẽ tạo được thêm khoảng 6 triệu việc làm mới. “Trong số 6 triệu việc làm mới, có tới 2/3 sẽ là việc làm thu nhập thấp, vì ngành xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gia công như may mặc, giày da… Tổng số việc làm tăng, nhưng chất lượng việc làm tăng không nhiều”, bà Hương nói.

Với việc AEC ra đời, lao động ở 8 ngành nghề sẽ được dịch chuyển tự do trong các nước thành viên. Theo bà Hương, điều này có thể giúp việc đào tạo những ngành này phát triển, qua đó giúp chất lượng lao động Việt Nam tăng lên. “Khi lao động có tay nghề các nước ASEAN vào Việt Nam, mới nghe có nhiều người lo có thể lao động của mình mất cơ hội việc làm, nhưng không hẳn vậy”, bà Hương nói. Theo bà Hương, lao động có tay nghề nước ngoài vào Việt Nam thường đi theo các dự án đầu tư, công trình xây dựng, nhà máy mới… nên họ sẽ tạo ra các cú hích cho thị trường việc làm. Cùng với sự cạnh tranh của thị trường lao động, sẽ có thêm nhiều việc làm mới được tạo ra.

Về khó khăn, theo bà Hương, đó là cạnh tranh trên thị trường lao động cả trong nước và các nước trong AEC gia tăng. Với nghề y, nếu đào tạo ngành y của Việt Nam không tốt, có ra nước ngoài cũng không tìm được việc. “Lao động Việt Nam có thể có bằng cấp, nhưng nó chưa phản ánh trình độ tay nghề. Dù lao động mình tay nghề cũng được, nhanh nhẹn, học nhanh, nhưng kỹ năng mềm lại kém, tính kỷ luật, ngoại ngữ, làm việc nhóm thường không bằng lao động các nước khác. Đây sẽ là những điểm yếu của lao động Việt Nam khi cạnh tranh việc làm”, bà Hương phân tích. Theo bà Hương, đội ngũ lao động phổ thông có thể sẽ khó kiếm việc làm hơn. Do đó Việt Nam cần đào tạo nghề tốt hơn cho nhóm người này, để họ có thể chuyển đổi sang làm dịch vụ hoặc công nhân công nghiệp.

Cơ hội việc làm ở các nước trong ASEAN sẽ mở ra, tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, lao động Việt Nam cần chuẩn bị về tay nghề, bằng cấp, ngoại ngữ. Ngoài ra, người lao động cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các chương trình việc làm để chuẩn bị và tìm kiếm cơ hội tại các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, khi AEC hình thành, nhiều người lo ngại việc làm trong nước bị lao động nước ngoài cạnh tranh. Trong khi đó, lao động trong nước khó có cơ hội tìm việc tại các nước trong khu vực khi chất lượng đào tạo của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều. “Lo ngại nhất vẫn là chất lượng lao động nước ta, số người qua đào tạo vẫn thất nghiệp ngày càng tăng khi không đáp ứng được yêu cầu thị trường”, ông Diệp nói.

AEC ra đời, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương giữa các nước, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.