Có một 'hồ Geneva' giữa lòng Hà Nội

Có một 'hồ Geneva' giữa lòng Hà Nội
TP - Ngày 15/4/1964, Bác Hồ về thăm hồ Suối Hai ( huyện Ba Vì- Hà Nội), một công trình thủy lợi có sức chứa 49 triệu m3 nước. Tại đây bác khen: “ Hồ này đẹp như hồ Geneva ( Thuỵ Sĩ).

Các nước có hồ thế này là người ta làm giàu đấy. Phải làm một cái sân bay nhỏ, làm nhà nuôi thú vật, trồng hoa... biến khu này thành nơi nghỉ mát vừa là nơi du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế”.

Tròn 45 năm sau, tại hồ Suối Hai một dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên với số vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng do Cty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí làm chủ đầu tư đã được triển khai. Di nguyện của Bác về một hồ Geneva sẽ dần trở thành hiện thực ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Đánh thức người đẹp Suối Hai

Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất bán sơn địa nghèo khó thuộc bốn xã Cẩm Lĩnh, Thuỵ An, Ba Trại và Tản Lĩnh của huyện Ba Vì một báu vật- hồ Suối Hai. Nước xanh thăm thẳm như tấm gương soi hình núi Tản. Nhấp nhô trên mặt nước hồ xanh ngắt trải rộng gần 1.000 ha là gần chục hòn đảo lớn nhỏ khác nhau phủ đầy màu xanh như đảo Thanh Niên, đảo Bãi Cháy, đảo Yên Bình, đảo Yên Tĩnh...

Dân mong muốn dự án được triển khai sớm

“Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên là dự án lớn nhất được đầu tư vào huyện Ba Vì từ trước đến nay phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện Ba Vì.

Trong thời gian qua, chủ đầu tư đã tích cực triển khai dự án. Việc dự án được thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch huyện Ba Vì, hiện thực hóa những chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh Hà Tây ( trước đây) và của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về phát triển khu vực Suối Hai- Ba Vì thành khu du lịch chuyên đề Quốc gia.

Ngay từ khi có quy hoạch, địa phương đã có những bước công bố công khai quy hoạch đến người dân. Dư luận nhân dân và chính quyền địa phương rất phấn khởi, ủng hộ dự án.

Không chỉ vậy lòng hồ Suối Hai còn cung cấp  nhiều loại thủy hải sản với trữ lượng lớn cung cấp cho cư dân địa phương. Suối Hai vừa có vẻ đẹp e ấp của cô gái mới lớn nhưng cũng ngồn ngộn sự  quyến rũ đầy ma lực...

Chủ tịch UBND Huyện Ba Vì Hà Xuân Hưng dí dỏm: “ Cô gái Suối Hai đẹp đấy, nhưng cũng kén chẳng vừa”.

Nhiều con suối nhỏ réo rắt từ ngọn núi Tản Viên (núi Ba Vì) đổ vào hai con suối lớn và tạo thành Hồ. Cái tên hồ Suối Hai có lẽ bắt nguồn từ đó. 

“Vẻ đẹp ấy 45 năm trước khi về thăm hồ Suối Hai Bác đã nhắc đến, vậy nhưng đến hôm nay người đẹp Suối Hai mới được đánh thức”- ông Hưng vui mừng nói.

Theo Chủ tịch Hưng sau khi khu vực Suối Hai được quy hoạch trở thành Khu du lịch chuyên đề Quốc gia cũng có nhiều đơn vị xin phép tỉnh Hà Tây (cũ) xin khảo sát, làm quy hoạch hồ Suối Hai. Vậy nhưng nhiều năm trôi qua dường như người đẹp Suối Hai vẫn cứ ngủ vùi.

Nhiều ý tưởng đầu tư chẳng tiến sâu được là bao. Không biết Suối Hai có kén, hay là chưa hợp duyên? Tiềm năng du lịch rất lớn ai cũng rõ, nhưng nhân dân thì vẫn nghèo. Đó là trăn trở của chính quyền và cả người dân. Mãi đến năm 2006, tỉnh Hà Tây đã mời Tập đoàn Dầu khí Quốc gia lên khảo sát, tìm hiểu nhìn nhận đánh giá một cách hệ thống. 

Có một 'hồ Geneva' giữa lòng Hà Nội ảnh 1
Mặt nước rộng có nhiều đảo đẹp là thế mạnh lớn để phát triển du lịch cao cấp tại hồ Suối Hai

Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam đã chính thức trở thành chủ đầu tư một siêu dự án du lịch tại hồ Suối Hai. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam cho biết: “ Ngay sau khi được tỉnh Hà Tây chấp thuận làm chủ đầu tư dự án, Cty đã tích cực triển khai lập đồ án  quy hoạch 1/5000 và quy hoạch 1/2000 cho Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên.

 “ Các đồ án quy hoạch đã được Liên danh nhà thầu CR Architecture- Cty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu trị và cộng sự với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cộng hoà Pháp , các kiến trúc sư lâu năm giàu kinh nghiệm tư vấn lập quy hoạch”- ông Nguyên khẳng định. Năm 2007 Dự án được cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Và nay để thực hiện dự án, dự kiến kinh phí sẽ lên khoảng 4.000 tỷ đồng.

Động lực phát triển cho vùng nghèo

Thạc sĩ Lê Huy Giang, Giám đốc Ban quản lý dự án hồ Suối Hai, người đã từng đầm mình nhiều ngày trên các hòn đảo, bờ kè của hồ Suối Hai để lập nên những nét phác thảo đầu tiên về dự án, ngồi trên thuyền thăm hồ say mê giới thiệu: đảo Thanh Niên rộng 8 ha, mai này sẽ là trung tâm vui chơi giải trí cao cấp của thanh niên đúng như tên đảo. Đảo Yên Bình và đảo Yên Tĩnh mai này sẽ là khu Resort cao cấp, nơi nghỉ dưỡng, đi bộ đúng như tên gọi Yên Bình..

.Đặc biệt, trên quần thể các hòn đảo có hai điểm nhấn: Đảo Lều Tôm sẽ được xây dựng một công viên, một quảng trường nước và tháp biểu tượng của Tập đoàn Dầu khí. Trên đảo còn dự kiến xây dựng một số công trình tái hiện lại truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh.

 Đặc biệt trên đảo Bãi Cháy sẽ có sự hiện diện ba tòa lâu đài cổ kính mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu. “ Khu lâu đài dành cho những khách hàng VIP thực sự muốn trở thành... vua”- ông Giang nói.

Ngoài ra, trên một số hòn đảo còn được xây dựng khách sạn năm sao và các khu công viên vui chơi, văn hóa thể thao ngoài trời, sân Golf. Tận dụng độ sâu của lòng hồ có nơi sâu trên 20m, chủ đầu tư sẽ xây dựng một khu vui chơi dưới nước đẳng cấp quốc tế như lướt ván, bơi, lặn, dù nước.

Theo quy hoạch một sân bay trực thăng sẽ được xây dựng trên đảo phục vụ du khách. Ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết, mục tiêu của công ty là xây dựng Khu du lịch quốc tế Tản Viên trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí thể thao cao cấp đồng bộ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Với đẳng cấp cao, lại đặt ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội (cách bờ hồ Gươm 60km), lại nằm trong một quần thể du lịch đa dạng, phong phú nếu dự án phê duyệt sớm và đi vào hoạt động, Khu du lịch sẽ đón khoảng 655.000 lượt người- 800.000 lượt người /năm ( 2010 - 2015) và có thể đến 1,1 triệu khách/năm (2015- 2020). Dự án đi vào khai thác cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự kiến sẽ có khoảng 1.600 lao động được thu hút vào làm việc Khu du lịch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hưng khẳng định, bốn xã nằm trong phạm vi dự án là các xã vùng đồi, gò. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Việc có một dự án lớn đầu tư vào các địa phương chắc chắn sẽ giúp các địa phương phát triển mạnh kinh tế đặc biệt là các ngành dịch vụ. Ông Hưng cũng cho biết, hiện tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm 34% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Và ngành mũi nhọn này sẽ đạt 38% vào năm 2010 và tiếp tục tăng vào những năm sau đó.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, ông Nguyên cho biết, công ty luôn ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường xung quanh khu du lịch Suối Hai cũng như việc giữ gìn chất lượng nước hồ có vai trò quan trọng đối với sự sống còn của dự án nên công ty đã chủ động tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường  và đã được Bộ TNMT phê duyệt.

 Việc thực hiện tốt Báo cáo tác động môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một khu du lịch có không gian xanh và thân thiện môi trường phát triển bền vững. Ông Nguyên cũng khẳng định, ngay sau được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ bắt tay triển khai xây dựng ngay các công trình. Nếu thuận lợi, có thể cuối năm 2010 đầu năm 2011 một số hạng mục của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Thu hồi 158,3ha để thực hiện dự án giai đoạn I

Ngày 28/4/2009 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1981 về việc giao Trung tâm giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất thuộc Sở TNMT thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên của công ty cổ phần dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam.

Theo quyết định này Trung tâm giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất thuộc sở TNMT thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo quy hoạch giai đoạn I (với diện tích 1.583.431m2) của Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên  thuộc khu du lịch hồ Suối Hai.

Theo UBND huyện Ba Vì trong số 158,3 ha đất có 0,3 ha đất trên bờ, còn lại 158ha là đất trên đảo. Toàn bộ diện tích này hiện do công ty thủy  lợi Ba Vì thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội quản lý, sử dụng và đang là đất lâm nghiệp đồi gò chủ yếu trồng cây tai tượng và cây ăn quả lâu năm. UBND huyện Ba Vì cũng khẳng định trong 158,3ha đất không hề có phần diện tích đất nào thuộc Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Da quản lý, sử dụng.

MỚI - NÓNG