Có người Việt, có đại lý hàng Việt

Có người Việt, có đại lý hàng Việt
TP - Trăn trở trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu, một doanh nhân Việt ở Hungary mong mỏi, chúng ta hãy gây dựng một chiến lược: “Ở đâu có người Việt Nam sống, ở đó là đại lý tiêu thụ hàng Việt Nam”.
Có người Việt, có đại lý hàng Việt ảnh 1
Ảnh: Lan Anh

Anh Phạm Ngọc Chu, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary phát biểu như vậy nhân dự đại hội thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài, tổ chức ở Hà Nội hôm qua, 10/8.

“Đây là một ngày trọng đại cho giới doanh nghiệp Việt Nam ở ngoài nước, đánh dấu sự trưởng thành của những người con đi xa Tổ quốc để lập nghiệp” - Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ nói.

Ông cho biết, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ sẽ là cầu nối giữa Việt Nam và Thụy Sỹ nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung. Nhưng trên hết vẫn là mong muốn Việt Nam quyết tâm tạo ra những mặt hàng, những dịch vụ đảm bảo chất lượng cao và thỏa mãn khách hàng, để hình ảnh một nước Việt Nam vẫn luôn nằm trong trái tim bè bạn thế giới.

Để bán được hàng, phải hiểu văn hóa

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, việc thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài là cột mốc đầu tiên rất quan trọng trên con đường xây dựng một mạng lưới đại đoàn kết, tập hợp doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới.

Nhiều doanh nghiệp trong nước thường suy nghĩ rằng, thị trường châu Âu khó tính, khó nhập hàng sang đó.

Là chủ của hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hungary và hàng chục năm làm ăn ở xứ người, anh Phạm Ngọc Chu, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hungary lại khẳng định, đa phần hàng hóa Việt Nam sản xuất đều có thể bán được ở thị trường châu Âu, từ chiếc kẹo vừng, kẹo lạc, cốc nước chè xanh của người bán nước ở vỉa hè, đến bộ quần áo, hay những đồ gia dụng cao cấp hơn như giường tủ, bàn ghế...

Câu hỏi được đặt ra là thị trường châu Âu có kỹ tính đến mức như chúng ta nghĩ, hay vì chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho sự chuẩn bị để thâm nhập thị trường này.

Theo anh Chu, muốn bán được hàng ở thị trường này, điều đầu tiên là phải hiểu được nền văn hóa và lịch sử của họ.

Chẳng hạn, tại sao lon Coca Cola ở Đông Nam Á lại in hình con rồng, con phượng, trong khi ở châu Âu lại có hình đôi trai gái ôm nhau nhảy múa?

Đó là vì, tại châu Âu, sự bùng nổ ghê gớm của công nghiệp dẫn tới căng thẳng trong đời sống hàng ngày, mô hình gia đình truyền thống trong xã hội bị ảnh hưởng. Vì vậy, quảng cáo cho hình ảnh một gia đình đoàn tụ, hạnh phúc đã được các nhà sản xuất quan tâm.

Ngày 10/8, ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài chính thức ra mắt gồm 32 người, trong đó có một chủ tịch và tám phó chủ tịch.

Ông Phạm Nhật Vượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Technocom (Ukraina) được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.

Hiệp hội là hội viên tập thể của VCCI và có trụ sở tại Hà Nội và có các chi hội, chi nhánh văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

“Tôi khẳng định, đa số các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, tiêu dùng ở trong nước đều có thể đảm bảo yêu cầu chất lượng cho người tiêu dùng châu Âu” - anh Chu nói.

Anh lý giải, người dân châu Âu quen lối sống thực dụng, có thu nhập cao (công việc ít tiền nhất cũng 10 Euro/giờ), cho nên họ vừa mua, vừa dùng, vừa vứt đi.

Một ví dụ, ngày trước, chỉ có hãng LEVIS sản xuất quần jeans, nên họ bán rất chạy (một chiếc quần jeans rẻ cũng phải hàng trăm euro). Bây giờ, nhiều nơi sản xuất quần jeans nên giá thành giảm hẳn, chỉ 15 - 20 euro một chiếc.

Người mua chọn mua loại rẻ tiền, vừa tiện thay đổi màu sắc, kiểu cách mẫu mã, mặc ít lần có thể thay đồ mới cũng không tiếc. Chưa kể những vật dụng gia đình như TV, tủ lạnh, máy giặt... khi hỏng họ cũng thường bỏ đi, mua đồ mới, chứ ít người mang đi sửa.

Cũng theo anh Chu, có hai nguyên nhân khiến hàng Việt Nam khó xâm nhập được vào thị trường châu  Âu. Đó là  thiếu tính kỹ xảo trong khâu làm bao bì và thiếu chiến lược từng bước thâm nhập thị trường.

Anh đưa ra một ví dụ: “Một lần, tôi nhận được một mặt hàng từ Việt Nam gửi sang bán thử, đó là nấm hộp. Nhãn in ở ngoài màu nâu nâu, chấm đốm đen xì, như nấm bị hỏng. Tôi gửi luôn về với lời nhắn rằng “Không phải thử. Không bán được đâu”. Dân châu Âu thích dùng màu trắng, không nên dùng sắc màu nâu (tối) như thế. 

Lan Anh tổng hợp

MỚI - NÓNG