Cổ phần hoá DNNN: Đừng chờ, cứ chủ động mà làm!

Chính phủ đang thúc giục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN những lĩnh vực không cần nắm giữ.
Chính phủ đang thúc giục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN những lĩnh vực không cần nắm giữ.
TP - “Cổ phần hoá DNNN phải theo tinh thần không chờ  đợi, các bộ ngành, Tập đoàn, địa phương cứ chủ động làm. Vấn đề nào vướng thì trình lên trên phê duyệt, phải tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chậm vì tâm lý chờ đợi

Chiều 10/4, tại văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới phát triển Doanh nghiệp. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng lưu ý: Thời gian qua, đã tiến hành cổ phần hóa được tới 96% doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, mới chỉ có tổng vốn 6% được cổ phần hóa còn 92% tổng vốn chưa cổ phần hóa. “Báo cáo cần đánh giá lại xem thế nào, tiến độ nhanh hay chậm, thực chất vốn cổ phần hóa là gì”, Phó Thủ tướng nói.

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng yêu cầu tới đây cổ phần hóa DNNN phải mạnh mẽ hơn, số lượng phải lớn hơn với tỷ trọng vốn DNNN nhiều hơn . “Đây là yêu cầu bắt buộc phải làm sao vừa thuận lợi, vừa tránh thất thoát tài sản. Hiện có ý kiến cho rằng đang có tâm lý chờ đợi nhưng quan điểm của Chính phủ là vừa làm vừa rà soát, có tới đâu làm tới đó.”, Phó Thủ tướng nói.

Cập nhật tình hình thoái vốn toàn quốc trong quý 1/2017, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: báo cáo thoái vốn quý 1 đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chậm trễ có phần do chờ phê duyệt kế hoạch; hoặc chờ cổ phần hóa theo Nghị định 58 hay chờ sửa theo Nghị định 59.  “Phía Bộ Tài chính về xây dựng chính sách cơ bản chúng tôi đã làm hết những vướng mắc. Nghị định 59 hiện sửa dự kiến trong quí 2 xong “, ông Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết tính đến nay đã nhận được 73/94 bộ ngành địa phương có báo cáo. “Hiện Bộ đang cho tổng hợp trình; hy vọng 23 bộ ngành còn lại kịp gửi về”, Ông Đông thông tin.

Đừng chờ, cứ chủ động mà làm!

Theo ông Đông, điểm các bộ ngành và DN băn khoăn là theo quy định tới đây của Nghị định 59, một loạt DN có vốn ở mức 5.000 tỷ trở lên sẽ phải kiểm toán trước khi CPH. “DN có vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng chỉ có 1 ít; còn nếu hạ xuống mức 1.800 tỷ thì tính ra có khoảng 30 DN. Quan điểm chúng tôi dứt khoát phải ràng buộc trách nhiệm của họ nếu không sẽ tùy tiện”, ý kiến đại diện Bộ KHĐT đề xuất.

Cổ phần hoá DNNN: Đừng chờ, cứ chủ động mà làm! ảnh 1

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, riêng về NĐ 59 năm ngoái Chính phủ đã yêu cầu DN vốn chủ sở hữu từ 5.000 tỷ đồng trở lên phải kiểm toán nhưng có nhiều DN định giá lách có khi còn bốn ngàn chín trăm mấy tỷ. Do đó, tất cả các DN khác bất kể quy mô vốn thế nào nhưng xét thấy cần thiết Thủ tướng có thể yêu cầu đề nghị kiểm toán thực hiện. “Thủ tướng đã đề nghị và chẳng có trường hợp nào KTNN từ chối”, Phó Thủ tướng nói.

Riêng giải quyết vướng mắc đất đai, ông lưu ý khi CPH cứ rà soát bình thường.“DN nào có phương án CPH chúng ta sẽ xử lý. Nếu chờ thì 5 năm nữa vẫn không làm được.Chính phủ sẽ rà soát cụ thể xử lý giải quyết tất cả các vướng mắc”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ cần - vẫn kiểm toán

Theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban đổi mới DN TPHCM, theo chỉ đạo của Thành ủy, TPHCM sẽ hoàn thành CPH đến năm 2018;  đến 2020 là tiếp tục hoàn thiện bán vốn DNNN .“Trong 39 DN còn lại thì 31 DN đã CPH giai đoạn trước có vốn tăng rất là lớn. Có những DN có vốn từ 1.600-1.800 tỷ chúng tôi thấy vẫn nên đưa vào kiểm toán để minh bạch, đặc biệt khi có chỉ đạo phải xem lại lợi thế giá trị đất đai”, ông Sang đề xuất.

Tại Hà Nội, đại diện thành phố cho biết tới năm 2020 còn 16 DN cần CPH với 80% vốn nhà nước có giá trị 24 ngàn tỷ. “Năm 2016, Hà Nội CPH Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro). Tuy đơn vị này có vốn Nhà nước còn 2.125 tỷ đồng nhưng việc kiểm toán là cần thiết”, đại diện Hà Nội kiến nghị. Lập tức Phó Thủ tướng đồng tình: “Hà Nội có thể trình phương án kiểm toán, luật KTNN cho phép”.

Tại Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn giãi bày: CPH tiến độ chậm do nguy cơ khó xác định giá trị DN. Ông Tuấn đơn cử: Vinafood 2 tình hình tài chính khó khăn chưa đạt ngưỡng vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ nhưng vẫn xin kiểm toán. Khi kiểm toán xong nảy sinh nhiều vấn đề về xử lý tài chính đặc biệt công nợ khó đòi.“Nếu không xử lý được thì thời hạn 18 tháng khó CPH được”, ông Tuấn nói.

Phó Tổng Tập đoàn Dầu khí (PVN) ông Lê Minh Hồng cho biết đến giờ này Tập đoàn đã xác định xong giá trị của PVOil và PVPowel cùng Lọc Hoá Dầu Bình Sơn đang kiểm toán. “3 đơn vị vốn rất là lớn hơn 80 ngàn tỷ, tổng tài sản 1.400 tỷ đồng; chúng tôi chỉ ngại thị trường có đủ sức hấp thụ khi IPO không”, ông Hồng bày tỏ.

Các tập đoàn thoái vốn ra sao?

Theo ông Lê Minh Châu, đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản, đến nay TKV đã thoái được 61/80 đơn vị. “Giai đoạn vừa qua, TKV thoái vốn ngoài ngành được hơn 2.000 tỷ thặng dư 400 tỷ ngoài ngành. Giai đoạn này vấn đề thoái vốn ngoài ngành đầu tư gặp ít nhiều khó khăn khi khó tìm kiếm nhà đầu tư”, ông Châu cho biết. Liên quan đến CPH, theo ông Châu, giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn đã chủ động xây dựng chứ không chờ.

Với Tập đoàn Cao su, cơ bản  xác định xong giá trị DN chờ công bố tháng 4 này và phê duyệt phương án trong quý 2. Về tình hình thoái vốn, đến thời điểm này Tập đoàn Cao su đã thoái được 2.250 tỷ trên tổng vốn cần thoái có lợi nhuận 57 tỷ đồng.

Đại diện Tập đoàn Điện Lực (EVN),  ông Dương Quang Thành cũng báo cáo: đến cuối 2016 EVN đã thuê tư vấn trong tháng này Kiểm toán Nhà nước có thể làm việc xong. Tháng 10 Tập đoàn có thể trình phương án CPH. “Đối với EVN không có vấn đề gì lớn về công tác đổi mới sắp xếp . Hiện chỉ có 2 vấn đề xin Thủ tướng lùi thời gian công bố giá trị DN và IPO”, vị này nói

Liên quan đến thoái vốn, Tập đoàn PVN cơ bản đã hoàn thành; hiện chỉ còn vốn lớn nhất tại Ngân hàng PVcombank (khoảng 5.000 tỷ).“Thủ tướng đã giao cho NHNN, PVN đề xuất xem có cách nào để chuyển phần vốn PVcombank về NHNN càng sớm càng tốt. Riêng thoái vốn tại các DN xây dựng rất khó khăn, chúng tôi có thể bán nhưng sẽ thiệt hại do đó xin lui thời điểm”, ông Hồng kiến nghị.

Tương tự,Tập đoàn Viettel cho biết dự kiến thoái vốn trong 5 DN nhưng quá trình triển khai có thể thoái vốn 10/10 DN với số lượng thoái vốn đạt 3.800 tỷ đạt gấp 2 lần so với đầu tư. Giai đoạn 2017- 2020 dự kiến thoái vốn tiếp tại 2 công ty nữa, đại diện Viettel khẳng định .

Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV SCIC đề xuất SCIC đang có hai văn bản trình Chính phủ mong được phê duyệt sớm.Về thoái vốn ông Chi cho biết: Hiện SCIC xác định 137 DN chúng tôi sẽ bán hết từ nay đến năm 2020; tuy nhiên trong đó có 100 DN yếu kém có DN đến lần thứ 3 không bán được nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bán ngay khi có thể“, ông Chi cho biết.

Kết luận cuộc họp, UV Bộ Chính trị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tinh thần là không phải chờ gì cả; sắp tới sửa NĐ 59 chỉ làm kỹ hơn thôi. Hiện không có gì vướng mắc gì thì các đơn vị cứ làm đi NĐ 58. Vấn đề nào vướng thì các bộ, tập đoàn, tỉnh trình lên phê duyệt”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới, cần tăng cường thanh kiểm tra giám sát không để xảy ra thất thoát vốn; nhất là không để có tiêu cực trong thoái vốn, CPH. Đồng thời kiên quyết xử lý các DN yếu kém theo tinh thần NQ 05; kể cả 12 dự án các địa phương cần chủ động; xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan; xử lý nghiêm DN.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.