Cổ phần hóa HUD: “Bác” nhiều đề xuất của Bộ Xây dựng

Đề án cổ phần hoá của HUD bị các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản đối. Ảnh Như Ý
Đề án cổ phần hoá của HUD bị các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản đối. Ảnh Như Ý
TPO - Đề án cổ phần hóa Cty mẹ, Tổng Cty đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ, lập tức các bộ ngành liên quan đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý. Bộ KH&ĐT còn đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc làm rõ việc “xác định giá trị doanh nghiệp” tránh thất thoát tài sản nhà nước.

“Bác” phương án HUD muốn giữ lại gần 3.800 tỷ đồng

Theo phương án cổ phần hóa HUD trình Thủ tướng Chính phủ, giá trị doanh nghiệp (DN) xác định tại thời điểm cuối năm 2014 khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỷ đồng. HUD sở hữu 43 dự án tại các đô thị lớn Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai.

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép HUD để lại khoản tiền hơn 3.797 tỷ đồng (tại thời điểm xác định giá trị DN ngày 31/12/2014), với lý do “khoản trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng trong các dự án kinh doanh bất động sản của HUD”. 

Bộ này lý giải, tại báo cáo tài chính của HUD (ở thời điểm xác định giá trị DN), số tiền này đã trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại 17 dự án bất động sản. Nhưng trong các dự án thuộc phương án cổ phần hóa HUD,  đã có một số khu đô thị hoàn thành và chuyển nhượng hết cho khách hàng. Tiêu biểu như các dự án: Khu đô thị Mỹ Đình II, Khu đô thị Văn Quán, Khu đô thị bán đảo Linh Đàm, Khu Bắc Linh Đàm, khu nhà ở và văn phòng làm việc Hoa Lư, Giảng Võ…

“Với các dự án đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, đồng nghĩa với việc HUD không phải tiếp tục đầu tư hạ tầng. Vì vậy, khoản trích trước 3.797 tỷ đồng phải thực hiện hoàn nhập theo quy định để tăng giá trị DN và giá trị vốn nhà nước”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch HĐTV HUD hiện, việc tiến hành cổ phần hoá đã xong xác định giá trị DN, trình phương án cổ phần hoá và cố gắng đẩy nhanh từ giờ đến cuối năm hoàn thành. Trong đó, phương án cổ phần vẫn giữ 51% nhà nước đến năm 2019.

Các bộ cũng nêu ra một số vấn đề và HUD cũng trình sửa, bổ sung. Liên quan đến việc trích trước gần 3.800 tỷ đồng phòng ngừa HUD phải báo cáo Thủ tướng. “Tiền trích đó là tiền treo và không phải cổ đông nhà nước hay cổ đông tư nhận được hưởng. Sau khi hoàn thành các hạng mục hạ tầng còn lại trả nhà nước”, ông Bang nói. (Tiền trích phân bổ trên suất đầu tư hạ tầng về đường giao thông, điện, thoát nước, nghĩa trang).

Yêu cầu xác định lại giá trị doanh nghiệp

Trong Đề án cổ phần hoá, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ cho phép lấy kết quả xác định giá trị DN năm 2014 làm căn cứ xác định giá trong IPO. Về việc này, Bộ KH&ĐT phản đối. “Việc công bố giá trị DN và IPO cách thời điểm xác định giá trị không quá 18 tháng, trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ này khẳng định.  “Đề nghị Thủ tướng cho phép Kiểm toán Nhà nước vào cuộc rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị DN trước khi định giá để cổ phần hoá”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính tính toán cụ thể số liệu chi trước đầu tư đến thời điểm IPO để quyết toán dứt điểm các khoản mục, trường hợp có chênh lệch thì ghi đầy đủ vào giá trị vốn Nhà nước tại DN, đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước.

Theo phương án cổ phần hóa HUD, Nhà nước sẽ giữ lại 51%, cổ đông chiến lược 25%, cán bộ công nhân viên chức là 0,31% và nhà đầu tư bên ngoài là 23,7%. Mức giá cổ phần của HUD được dự định là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp sau khi đã bán đấu giá công khai, nhưng không thấp hơn giá giao dịch thành công thấp nhất.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đã “bác” đề xuất bán 25% cổ phần HUD cho nhà đầu tư chiến lược và lưu ý: HUD là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nên việc phải có nhà đầu tư chiến lược không thực sự cần thiết (?!) Cùng đó, đề nghị Bộ Xây dựng đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái đợt này tại HUD nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, việc xác định giá trị đất đai tại 43 dự án bất động sản HUD đang sở hữu, đơn vị tư vấn VVFC và Bộ Xây dựng đã căn cứ vào giá đất do UBND các tỉnh, thành phố công bố để xác định giá trị đất đai tại các dự án là chưa hợp lý. Bởi, giá đất công bố này chỉ để tính tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, trả tiền bồi thường đất đai… Do vậy, đây chưa phải là giá cụ thể để làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất tại 43 dự án bất động sản khi cổ phần hóa HUD theo luật đất đai.

Trường hợp định giá của HUD đã quá 29 tháng, không tránh khỏi khả năng có nhiều biến động về giá trị tài sản. Đặc biệt, HUD là DN hàng đầu về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, việc cổ phần hóa cần thực hiện cẩn trọng, đảm bảo tính đầy đủ giá trị đất đai, tránh thất thoát cho Nhà nước.
MỚI - NÓNG