Cổ phần hóa sẽ sang hồi quyết liệt

Cổ phần hóa sẽ sang hồi quyết liệt
“Tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã khác. Chính phủ sẽ phải mạnh tay hơn, không dừng lại ở thí điểm những doanh nghiệp lớn mà còn “làm” tới cả các lĩnh vực như xi măng và điện”.

Dành tới hai trang để nói về cải cách doanh nghiệp nhà nước, dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ 10 tiếp tục xác định đây là một trong những mục tiêu lớn trong cải cách kinh tế năm năm tới.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Phó ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, Chính phủ sẽ phải mạnh tay hơn, sẽ “làm” tới cả các lĩnh vực như xi măng và điện…

Chính phủ đặt quyết tâm tiếp tục cải cách mạnh mẽ khối doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch năm năm tới. Nhưng có một thực tế là trong năm năm qua chúng ta đã làm chuyện này chưa tốt…

Đúng là việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong năm năm qua chưa được như mong muốn ban đầu. Tuy nhiên, ở đây cần phải tách biệt các vấn đề.

Theo Nghị quyết Trung ương 3, chúng ta đặt mục tiêu sắp xếp đổi mới 2.960 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2005. Nếu tính theo mục tiêu này, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành. Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 9 ra đời sau đó đã đặt ra mục tiêu cao hơn, đối tượng cổ phần hóa cũng được mở rộng hơn trước và lần đầu tiên chúng ta mới mạnh dạn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinaconex hay Vietcombank.

Nếu căn cứ theo nghị quyết Trung ương 9, có thể nói mục tiêu đề ra là hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào năm 2005 là chưa đạt. Theo tôi, có lẽ cần phải mất thêm một năm nữa.

Nếu nhìn lại một cách công bằng những gì đã đạt được, theo ông đâu là những điểm quan trọng nhất?

Điều quan trọng nhất theo tôi là về cơ bản đã hoàn thành sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ. Nhiều địa phương nay đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại. Như Quảng Ninh nay đã tính đến chuyện giải thể Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh. Hải Phòng cũng vậy, việc sắp xếp đã hoàn thành cơ bản. Hiện chỉ có 12 doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố này trong đó có tới bảy doanh nghiệp là các công ty thủy nông, thực tế chỉ còn lại năm doanh nghiệp nhà nước thôi.

Thứ hai, mặc dù tiến độ cổ phần hóa khá chậm song bước đầu chúng ta đã khởi động được việc cổ phần hóa các “ông lớn” như trường hợp Vinaconex hay Vietcombank. Hiện đã có bốn tổng công ty và hai ngân hàng thương mại quốc doanh đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa và một số các tổng công ty khác cũng đã và đang được đưa vào tầm ngắm.

Ngoài ra, cũng phải nói đến các ảnh hưởng về mặt xã hội. Chúng ta đã giải quyết được vấn đề lao động dôi dư một cách khá ổn thỏa.

Thế còn những điều chưa được, thưa ông?

Chúng ta đã tiến hành sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo một lộ trình rõ ràng, nhưng cũng không phải không có những thiếu sót. Vẫn phải vừa làm vừa dò nên không tránh khỏi việc phải trả học phí. Chẳng hạn chuyện cổ phần hóa khép kín, thực ra là chia cổ phần chứ không phải bán cổ phần. Trong định giá tài sản thì tài sản hữu hình tính không chính xác trong khi tài sản vô hình gần như không tính được. Nhưng đấy cũng là chuyện mà nhiều nước đã trải qua, như ở Nga trước đây cũng có chuyện bán doanh nghiệp với giá 1 rúp.

Thực ra ban đầu có những doanh nghiệp thua lỗ mình cũng lo bán không nổi. Nhưng bây giờ vực lại làm ăn được thì có ý kiến nghi ngờ có thể có tiêu cực này khác.

Dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ 10 xác định tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước như là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong cải cách kinh tế. Quá trình này trong vài năm tới sẽ ra sao, thưa ông?

Từ Đại hội Đảng lần thứ 7 đến nay, chúng ta chủ trương tiến hành từ từ. Nhưng sau Đại hội Đảng lần thứ 10, năm năm tới sẽ là giai đoạn quyết liệt.

Trước đây xác định bỏ cái nhỏ nắm cái to, bỏ cái phụ nắm cái chính. Nay thì tình hình đã khác và Chính phủ sẽ phải mạnh tay hơn, sẽ “làm” tới cả các lĩnh vực như xi măng và điện… Chúng ta sẽ tập trung vào khoảng 100 tổng công ty với khoảng 1.800 doanh nghiệp thành viên.

Nhưng lộ trình cụ thể ra sao, thưa ông?

Nếu tập trung cao độ thì phải đến năm 2009 mới xong. Cũng có ý kiến nói rằng chỉ mất ba năm, đến khoảng cuối năm 2008 là xong. Nhưng cuối cùng quyết định lựa chọn mốc 2009.

Xung quanh vấn đề này cũng có nhiều ý kiến nghi ngại về tiến độ, nhưng tôi cho rằng tình hình sẽ cải thiện nhiều vì chúng ta đứng trước nhiều áp lực từ quá trình hội nhập buộc chính phủ phải quyết tâm làm. Hơn nữa, trước đây doanh nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, nay thì rất tập trung.

Ngoài ra, bây giờ vấn đề tư tưởng cũng đã “thông” hơn nhiều rồi. Sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp được chuyển sang mô hình mẹ-con, sau đó các doanh nghiệp con sẽ cổ phần hóa trước khi cổ phần hóa công ty mẹ. Ngoài ra, đối với các tập đoàn đang được xây dựng, nhất định sẽ thực hiện đa sở hữu nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.

Chúng tôi đang có những kế hoạch lớn, hy vọng sẽ hiện thực hóa được ngay trong năm tới.

MỚI - NÓNG