Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng còn đắt khách?

Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng còn đắt khách?
Phiên giao dịch ngày 14/4 đã lập tiếp một kỷ lục mới về giá trị khi xấp xỉ 2.080 tỉ đồng được rót vào thị trường trên cả hai sàn. Mặc dù nhóm CP của CTCK và khối ngân hàng vẫn đắt khách, số còn lại bắt đầu có hiện tượng phân phối mạnh.

Điều này báo hiệu khả năng phân hoá về giá khi báo cáo tài chính quý I được công bố.

Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng còn đắt khách? ảnh 1
Chứng khoán tăng mạnh trong vài phiên gần đây.

Mỹ cũng "nhiễu" thông tin

Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ phục sinh (ngày 13/4) của TTCK Mỹ xuất hiện nhiều diễn biến trái chiều giữa sự kỳ vọng về lợi nhuận tốt của nhóm NH, CTCK lớn trong khi mối ám ảnh về khả năng phá sản của General Motors và những vụ phá sản mới nhất của một số NH nhỏ tiếp tục được quan ngại.

Chỉ số DJA giảm nhẹ 0,3%, Nasdaq gần như đứng yên trong khi S&P 500 tăng 0,3%. Chỉ số S&P 500 mở cửa đã giảm khá mạnh và chỉ thực sự phục hồi vào cuối ngày.

Phố Wall đón nhận tin tốt thứ hai liên quan đến lợi nhuận của CTCK hàng đầu thế giới Goldman Sachs khi Cty này báo cáo lợi nhuận quý I/2009 tới 1,66 tỉ USD - tương đương 3,39USD/CP, tăng gần gấp đôi kỳ vọng của giới phân tích ước đoán.

Cty này cũng dự kiến sẽ phát hành thêm 5 tỉ USD trị giá CP để huy động vốn nhằm trả nợ 10 tỉ USD đã vay của Chính phủ Mỹ. Đây là tin tốt thứ hai liên quan đến khối tài chính sau khi NH đầu tư lớn thứ tư ở Mỹ - Wells Fargo - dự báo lợi nhuận quý I/2009 ước đạt 3 tỉ USD, tương đương 55 cent/CP hôm 9/4.

Tuy nhiên, tin về khả năng phá sản ngày càng rõ của Genneral Motors khi có thông tin rằng Bộ Tài chính Mỹ đang chuẩn bị những hướng dẫn cần thiết để tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới này nộp đơn phá sản. Thời hạn chót để General Motors tái cấu trúc và đáp ứng các điều kiện của Chính phủ để được rót tiền là ngày 1/6 tới.

Thêm vào đó, tuần này, hàng loạt đại Cty, NH lớn như Johnson & Johnson, Philips Electronics, Intel, JPMorgan, Citigroup, Bank of American... cũng sẽ thông báo kết quả kinh doanh quý.

Theo giới phân tích, đây sẽ là một tuần sóng gió của TTCK khi những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ rằng tất cả các báo cáo sẽ "đẹp" như của Goldman Sachs hay Wells Fargo.

Đó là chưa kể đến những số liệu vĩ mô cũng sẽ được đưa ra như doanh số bán lẻ, CPI tháng ba, số liệu về nhà mới khởi công, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thăm dò về lòng tin người tiêu dùng...

Có khả năng phân hoá?

Sau khi đội sổ thế giới về mức sụt giảm năm 2008, TTCKVN trong hơn một tháng qua lại đột ngột tỏa sáng khi có mức phục hồi đến nay khoảng 47%, mạnh hơn nhiều so với các thị trường lớn khác.

Ngày 14/4, VN-Index đóng cửa mức 347,07 điểm và HaSTC-Index ở mức 130,94 điểm. Mặc dù mức tăng trưởng bình quân thị trường (tính theo Index) không lớn, nhưng thực tế đã có những CP tăng gấp nhiều lần mặt bằng chung.

Điểm đáng chú ý của đợt tăng này xuất phát từ nhóm CP tài chính, CK - một kịch bản rất giống với TTCK thế giới. Hiện những CP này như SSI, STB, BVS, REE, ACB vẫn đang dẫn đầu thị trường. Nhu cầu mua đối với những mã CP này đang rất lớn, bất kể hoạt động xả hàng mạnh mẽ từ NĐTNN cũng như tổ chức trong nước.

Ngày 14/4, ACB của sàn HaSTC đã lập một kỷ lục chưa từng có về khối lượng khớp lệnh khi sang tay tổng cộng 7,76 triệu đơn vị. STB cũng lần thứ hai chuyển nhượng vượt 10 triệu đơn vị trong một phiên (đạt 10,06 triệu CP).

Kỷ lục gần nhất của STB là 10,27 triệu đơn vị ngày 3.4 vừa qua. SSI, BVS thì xác lập phiên tăng kịch trần thứ 9 liên tục. Mức tăng trưởng tính từ đáy tháng ba của các mã này lần lượt: SSI (104,9%), KLS (134,8%), BVS (171%), STB (50%), ACB (75%), REE(114,2%).

CP tài chính, CK thường là nhóm ngành tăng trưởng đầu tiên khi TTCK phục hồi từ khủng hoảng. Tuy nhiên, với mức tăng mạnh hiện tại, đâu sẽ là kỳ vọng phù hợp với nhóm CP này? Hiện tại, những số liệu kết quả kinh doanh quý I chưa thể giải đáp thỏa đáng. Mặt khác, một câu hỏi thường được đặt ra là liệu những số liệu đó đã phản ánh hết vào giá hay chưa?

Mức tăng của chỉ số ngày 14/4 đều khá yếu (2,07% với HoSE và 3,59% với HaSTC) là kết quả của việc một số lớn CP bắt đầu tách khỏi xu hướng tăng mạnh chung do bị phân phối lớn. Duy có những CP trụ cột của thị trường ở trên giữ được đà tăng.

Nhóm 26 CP vốn hóa lớn nhất sàn HoSE tăng 4,7% và nhóm 13 CP lớn nhất HaSTC tăng 6,9%. Như vậy, các CP lớn đều tăng gần gấp đôi bình quân thị trường. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch với nhóm này lại khá thấp (chiếm 18,5% tại HoSE và 37% tại HaSTC) chứng tỏ lượng cung vẫn đang bị tiết chế rất mạnh.

Liệu nhóm CP lớn dẫn dắt thị trường sẽ còn tăng đến đâu? Không thể tìm câu trả lời chính xác nhưng nếu thị trường đảo chiều, nhóm CP này sẽ phát tín hiệu trước. Dòng tiền khổng lồ chảy vào thị trường hiện tại là sự đầu cơ chớp nhoáng hay tìm kiếm cơ hội dò đáy khủng hoảng và đầu tư dài hạn?

Với kết quả kinh doanh quý I, chắc chắn sẽ có sự phân hóa và dòng tiền sẽ chảy vào những CP của DN có tiềm năng phục hồi vượt qua thời điểm khó khăn. Những CP chưa kịp tăng giá hoặc chỉ tăng nhẹ trong đợt này là những CP xấu hay chỉ là những "nạn nhân" khi dòng tiền nóng chưa chú ý?

Theo Nam Nguyễn
Lao động

MỚI - NÓNG