Cơ quan thuế sẽ có quyền điều tra hành chính

Cơ quan thuế sẽ có quyền điều tra hành chính
TP - “Công tác phòng, chống xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, chống thất thu thuế còn hạn chế” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Khi trình ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đã dẫn ra những số liệu rất đáng chú ý để chứng minh: Tính đến 30/9/2005 số nợ thuế do chây ỳ đã lên tới 4.020 tỷ đồng, (trong đó thuế xuất nhập khẩu là 2.600 tỷ đồng, các loại thuế khác là 1.420 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ năm 1999 đến nay số vụ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng mà các cơ quan quản lý thuế chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố là 1.616 vụ nhưng mới điều tra khởi tố 553 vụ, xét xử 67 vụ, số tiền thu hồi cho ngân sách Nhà nước được 242,7 tỷ đồng.

Mặc khác, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho hay công tác quản lý thuế còn những tồn tại như tính pháp lý của các quy định về quản lý thuế chưa cao dẫn đến sự hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật thuế; còn phân tán tại nhiều luật và có những nội dung còn chưa thống nhất.

Đáng lưu ý là quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp luật của các chủ thể tham gia quản lý thuế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác quản lý thuế.

Vì thế, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý thuế nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém này.

Một trong những nội dung đáng chú ý là dự án luật quy định “Cơ quan quản lý thuế được áp dụng các biện pháp điều tra hành chính cần thiết để phát hiện và xử lý, truy thu kịp thời tiền trốn thuế”.

Tuy đồng tình với nội dung này nhưng Thường trực ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - yêu cầu cần quy định cụ thể về đối tượng, thẩm quyền, nội dung, phạm vi, thời hạn điều tra của cơ quan quản lý thuế; phân biệt rõ ranh giới giữa điều tra của cơ quan thuế với điều tra của các cơ quan tố tụng...nhằm tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế, dự án luật này quy định rất cụ thể. Có thể kể đến các hình thức như: Mức phạt đối với hành vi làm thiếu số thuế do kê khai nhầm lẫn là 10% số thuế kê khai thiếu; phạt 0,05%/ ngày tính trên số tiền chậm nộp với hành vi chậm nộp tiền thuế; mức phạt với hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế là từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế hoặc số tiền chiếm đoạt...

Đa số các thành viên ủy ban TVQH tán thành việc đưa dự án luật này ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI (khai mạc vào tháng 5 tới đây). Chiều qua, ủy ban TVQH cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Dạy nghề.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.