Cơ sở hạ tầng : 'Nút cổ chai' của tăng trưởng kinh tế VN

Cơ sở hạ tầng : 'Nút cổ chai' của tăng trưởng kinh tế VN
Ông Motoyuki Oka, Chủ tịch UB kinh tế Nhật-Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) nhận định : Bên cạnh việc thiếu hụt thiếu lao động trình độ cao thì “nếu không được nâng cấp, cơ sở hạ tầng sẽ trở thành “nút cổ chai” đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.

Khẳng định trên được ông Motoyuki Oka đưa ra trong cuộc họp báo hôm nay 9/11 tại Hà Nội, nhân kết thúc cuộc họp của UB đánh giá - xúc tiến Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 2.

Theo Chủ tịch Motoyuki Oka, một trong những minh chứng là ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Cũng từ đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam không ngừng tăng. Chỉ tính riêng Nhật Bản, tổng giá trị đầu tư vào thị trường Việt Nam năm 2006 đã vượt mốc 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2005.

Ông Motoyuki Oka cho rằng, Việt Nam hiện có rất nhiều điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đó không chỉ là sự ưu đãi của thiên nhiên về vị trí địa lý - nằm ở trung tâm châu Á, mà còn do có môi trường chính trị-xã hội ổn định, thị trường tiêu thụ lớn với hơn 80 triệu dân, nguồn nhân công dồi dào và đặc biệt là Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Motoyuki Oka, Việt Nam đang phải đối mặt với hai khó khăn lớn là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự tăng trưởng kinh tế và thiếu lao động trình độ cao. “Nếu không được nâng cấp, cơ sở hạ tầng sẽ trở thành “nút cổ chai” đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Motoyuki Oka nhấn mạnh.

Cũng nêu vấn đề liên quan đến Việt Nam, sáng 9/11, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2008 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện, chuyên gia phát triển khu vực kinh tế tư nhân của WB và IFC, ông Justin Yap nhận định: nếu tiếp tục cải cách trên ba lĩnh vực, xếp hạng của Việt Nam có thể tăng lên 30 bậc.

Ba lĩnh vực mà ông Justin Yap muốn đề cập là: thành lập doanh nghiệp (bỏ yêu cầu khắc dấu, đăng công bố thành lập doanh nghiệp trên nhật báo, thực hiện cơ chế đăng ký một cửa); cấp phép (giảm chi phí cấp phép xây dựng) và vay vốn tín dụng (thu thập và phân phối thông tin từ những nhà bán lẻ, các tổ chức tín dụng và cơ sở thương mại, lưu trữ thông tin tín dụng ít nhất 2 năm).

Trong Báo cáo về môi trường kinh doanh 2008, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí thứ 91/178 nền kinh tế được xem xét về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, tăng 3 bậc so với báo cáo năm 2007.

MỚI - NÓNG