Có thể nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo

Có thể nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo
Hiệp hội lương thực VN vừa có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2005 lên trên mức 3,8 triệu tấn.
Có thể nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo ảnh 1
Tháng 5 cả nước xuất khẩu được trên 505.700 tấn gạo

Ngày 9/7, Bộ Thương mại bắt đầu khảo sát hoạt động nông nghiệp của 7 tỉnh ĐBSCL trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Giá lúa gạo đang giảm mạnh tại thị trường các tỉnh phía Nam. Tại Tiền Giang, thương lái mua lúa tại ruộng chỉ 1.800-1.900 đồng/kg tùy theo chất lượng gạo. Các doanh nghiệp thu mua lúa, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển sẽ đội giá lên 2.000-2.300 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm trước vụ thu hoạch.

Tại TPHCM, giá lúa gạo trên thị trường bán lẻ cũng đang giảm do tác động của lúa thu hoạch.

Khảo sát các vựa gạo chợ đầu mối nông sản Trần Chánh Chiếu và các vựa gạo quận 2, Bình Thạnh, Gò Vấp, loại gạo thường chỉ còn 3.200-3.500 đồng/kg; 64, hạt bụi giá 4.000-4.300 đồng/kg; gạo Thái thơm 4.300-4.700 đồng/kg... Các loại gạo ngon giảm nhẹ 100-200 đồng hoặc đứng giá.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, nguyên nhân chủ yếu là lúa vụ hè thu, đặc biệt là số lúa thu hoạch vào tháng 6 đều không đạt sản lượng do ảnh hưởng của hạn hán. Kế đến do thị trường châu Phi - thị trường tiêu thụ chủ lực của gạo VN - tạm ngưng lấy hàng do lượng gạo tồn kho lớn...

Tình trạng giá cả sụt giảm đang làm người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long than dài vì lỗ, nhất là trong tình trạng sản lượng thu hoạch lúa vụ hè thu năm nay đạt kém hơn so với vụ đông xuân vừa qua.

Ông Đinh Văn Tiêu ở vùng lúa Gò Công Đông, Tiền Giang cho biết, giá lúa giảm trong khi chi phí chăm sóc cho cây lúa mùa này quá lớn làm nông dân thất thu nặng.

Tuy nhiên theo các nhà nông, giá lúa của vụ hè thu năm nay vẫn chưa phải ở mức thấp nhất. Có những thời điểm của năm trước, giá gạo xuống chỉ còn 1.300-1.600 đồng/kg, khiến nhà nông lao đao "đói". Nhiều nông dân cho biết, nếu chưa có nhu cầu tiền, họ quyết định trữ lúa, chờ bán sau khi vụ mùa kết thúc để đợi giá vượt lên trở lại.

Sau khi có văn bản của Hiệp hội lương thực Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp ngưng xuất khẩu gạo khi tổng sản lượng gạo xuất khẩu đã vượt ngưỡng 3,8 triệu tấn theo quy định của Bộ thương mại, nhiều công ty lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long đã quyết định ngưng ký kết hợp đồng mới.

Tuy vậy, những hợp đồng đã ký hoặc đến hạn giao hàng vẫn phải tiến hành như bình thường. Ông Phạm Trọng Thanh Bình, Phòng Kế hoạch Công ty lương thực Tiền Giang cho biết: "Những hợp đồng đã ký kết vẫn phải xuất để đảm bảo việc thực hiện giao hàng với đối tác".

Trong năm, Công ty lương thực Tiền Giang xuất khẩu từ 200.000 đến 250.000 tấn gạo các loại. Trong đó, ngoại trừ các hợp đồng xuất khẩu gạo cao cấp buộc công ty phải thu mua bằng cách bao tiêu sản phẩm từ khâu giống, trồng trọt, chăm sóc đến thu hồi sản phẩm; còn hầu hết sản lượng được công ty thu mua theo thị trường. "Do quỹ vốn đầu tư và nhu cầu của khách hàng xuất khẩu nên công ty không có dự trữ nhiều, ngoài kế hoạch", ông Bình cho biết.

"Tôi cho rằng giá lúa sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối tháng, bởi trong tháng bảy, các doanh nghiệp VN sẽ tham gia hai đợt mở thầu của Philippines với sản lượng gạo gọi thầu gần 300.000 tấn", ông Phong nói.

Ông cho biết, sắp tới Hàn Quốc và Iraq mở thầu nhập khẩu gạo, trong đó lượng gạo mở thầu của Hàn Quốc khoảng 350.000-400.000 tấn và của Iraq là 150.000 tấn. Cuối tháng bảy, các nhà nhập khẩu châu Phi cũng bắt đầu tham gia nhập khẩu gạo trở lại sau khi đã giải quyết hết lượng hàng tồn kho. Đồng thời các doanh nghiệp trong nước phải tập trung thu mua lúa để giao hàng cho các hợp đồng đã ký, với sản lượng gạo cần phải giao lên đến gần 1,2 triệu tấn...

"Chúng tôi đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xem xét điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay, bởi với sản lượng gạo mà các doanh nghiệp và người dân hiện có thì con số xuất khẩu vượt chỉ tiêu cao hơn nữa là hoàn toàn có thể đạt được", ông Phong nói.

MỚI - NÓNG