Tiếp bài “14 tháng đua với nhà thi đấu gần nghìn tỷ đồng”:

Có thể xong sớm hơn nếu...

Có thể xong sớm hơn nếu...
TP- Xung quanh việc Đà Nẵng xây nhà thi đấu thể thao gần nghìn tỷ đồng chỉ trong 14 tháng mà Tiền Phong phản ánh, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nếu công trình này lắp ráp kết cấu thép thì thi công phần nổi có thể chưa tới 10 tháng sẽ hoàn thành với một số điều kiện...

>> 14 tháng xây nhà thi đấu thể thao là không tưởng

Có thể xong sớm hơn nếu... ảnh 1
Bàn ghế trong công viên đã xếp từng chồng để cho đưa đi nơi khác dành đất xây nhà thi đấu

Theo ông, liệu có viển vông khi TP Đà Nẵng định thi công công trình gần nghìn tỷ đồng này trong 14 tháng?

Trong điều kiện kỹ thuật hiện nay, nhiều công trình xây dựng nhanh ít ai ngờ. Tôi đã thấy đại lễ đường nhân dân Trung Quốc xây trong 10 tháng. Nhưng người ta chuẩn bị tốt lắm. Thời kỳ xây dựng tổ chức công trình phục vụ Thế vận hội 2008, người ta làm ba ca bốn kíp, với tinh thần không cho mặt trời nghỉ. Cộng với biện pháp thi công hoàn toàn mới, công trình kịp thời hạn và đến nay chưa có vấn đề chất lượng.

Với công trình nhà thi đấu thể thao Đà Nẵng, tôi chưa được đọc thiết kế cơ sở cùng thuyết minh về nó, nên chưa biết 14 tháng có viển vông hay không. Tuy nhiên, tôi thấy, để có thể xây dựng nhanh như kể trên, cần có những yếu tố rất quan trọng. Trước hết là khâu chuẩn bị gồm khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu... Nếu chuẩn bị ngon rồi thì đỡ một nửa công việc; chỉ cần có tiền nữa là vào thi công.

Trường hợp này, vấn đề đầu tiên (tiền đâu) là thứ yếu. Nhưng thực tế Việt Nam hiếm khi huy động kịp vốn như dự kiến ban đầu; vốn rót không kịp thời thì khó đua tốc độ. Bên cạnh đó thiết kế kỹ thuật thế nào, lập tiến độ thi công ra sao, năng lực người thực hiện có vấn đề gì không...

Thiết kế liên quan điều kiện địa chất tốt xấu, có phải dùng cọc không, loại cọc gì. Xử lý móng cọc nhiều khi mất vài tháng. Nếu công trình xây dựng trên cơ sở kết cấu thép là chính, bê tông là phụ thì 5 - 6 ngày đã lên một tầng. Nếu đổ bê tông toàn khối thì chậm hơn nhiều.

Nếu người ta chuẩn bị sẵn các cấu kiện từ nơi khác rồi đem đến lắp ráp thì càng nhanh. Không biết họ đã tính hệ thống kỹ thuật chưa (thiết bị điện, thông gió, thông tin liên lạc, điều khiển tự động...) độ phức tạp đến đâu; công trình thế kỷ 21 phải hiện đại hơn thế kỷ 20, không thể đơn giản.

Cứ cho rằng họ qua rất nhanh khâu thiết kế, nhưng đến phần tổ chức thi công thì sao?

Tôi thấy ở ta việc tổ chức làm ba ca bốn kíp rất yếu. Có ý chí nhưng phải có người chỉ huy xứng tầm; đâu phải quân đông là nhanh được. Việc điều hành, quản lý nhân lực, cả chủ đầu tư lẫn lực lượng giám sát, thực nghiệm, thi công... phải rất đồng bộ. Tổ chức thi công phải rất chặt chẽ, đòi hỏi năng lực nhà thầu, độ công xưởng hóa, đồng bộ rất cao... Trong bao nhiêu khâu, chỉ một khâu trục trặc là chậm toàn bộ. Đó là chưa kể mưa bão...

Theo ông, trước khi khởi công nhà thi đấu quan trọng này cần lưu ý gì?

Tinh thần quyết thắng rất đáng hoan nghênh. Song trước khi quyết định công trình hoàn thành trước tháng 8/2010, cần nghe (có phản biện) các giải pháp tổ chức thực hiện. Đôi khi, vì hăng hái quá, dễ quên.

Trong nghề xây dựng, mọi giai đoạn đều phải có dự phòng. Đừng vì tiến độ mà cắt giảm quy trình kỹ thuật. Theo tôi, loại công trình này không thể sử dụng hoàn toàn kết cấu thép nên càng không thể làm nhanh như hội trường thi hoa hậu quốc tế nào đó. Tôi đề nghị hết sức thận trọng.

Trước mắt hãy yêu cầu chủ đầu tư trình bày công tác chuẩn bị, tổng thầu tư vấn thiết kế trình bày tốc độ thi công, thuyết minh giải pháp; và kiểm tra xem tổng thầu thi công chuẩn bị nhân lực, công xưởng... đến đâu.

Cảm ơn ông.

Nguyên Bảng
thực hiện

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.