Cố ý làm trái nhưng chỉ xử lý “nội bộ”!

Cố ý làm trái nhưng chỉ xử lý “nội bộ”!
TP - Cuối năm 2004, chỉ trong vòng 3 tháng, một số cán bộ của Sở quản lý, kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đã gây lỗ gần 500 tỷ đồng.
Cố ý làm trái nhưng chỉ xử lý “nội bộ”! ảnh 1

Trụ sở chính của AGRIBANK tại số 2 Láng Hạ - Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Theo chính một số cán bộ của Agribank thì việc thua lỗ này do một số cán bộ đã cố ý làm trái, tuy nhiên vụ việc lại chỉ được xử lý nhẹ nhàng.

Ngay  khi Sở quản lý kinh doanh vốn ngoại tệ của Agribank (SQL) được thành lập tháng 3/2004, nhiều cán bộ viên chức trong ngành đã phát giác những yếu kém về năng lực chuyên môn và trình độ quản lý của một số cán bộ lãnh đạo SQL.

Tuy nhiên, lãnh đạo Agribank đã bỏ ngoài tai những cảnh báo này. Kết quả kinh doanh  ngoại tệ ngay năm đầu tiên của SQL thật đáng lo ngại: lỗ 499,8 tỷ đồng. Số lỗ này tập trung nhiều nhất vào 3 tháng cuối năm 2004.

Theo quy định của SQL về quy trình giao dịch mua - bán với đối tác thì Phó giám đốc SQL không được trực tiếp giao dịch, mà việc giao dịch do cán bộ giao dịch lập phiếu giao dịch, vào sổ và chuyển phụ trách Phòng kinh doanh ngoại tệ ký kiểm soát rồi trình lãnh đạo phê duyệt.

Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm 2004, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc SQL đã trực tiếp giao dịch trên máy hoặc chỉ đạo cán bộ Phòng kinh doanh ngoại tệ giao dịch mua bán với số lượng lớn.

Cụ thể, ngày 22 và 23/12/2004, có 2 giao dịch mua 30 triệu euro; ngày 24/12/2004 thực hiện 4 giao dịch mua 30 triệu euro… Đây chính là những giao dịch gây lỗ nhiều nhất cho SQL, chiếm tới 98,9% tổng số lỗ cả năm.

Những giao dịch này đã cố tình vi phạm nghiêm trọng quy định của chính SQL về quy trình nghiệp vụ. Rõ ràng ông Nguyễn Anh Tuấn đã có dấu hiệu của tội cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, hành vi cố ý làm sai quy định của ông Nguyễn Anh Tuấn có mục đích tư lợi hay không cũng cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Chưa kể, Phó giám đốc Nguyễn Anh Tuấn còn đã ký các báo cáo trạng thái ngoại tệ của Agribank gửi Ngân hàng Nhà nước không chính xác, biết lỗ mà không báo cáo kịp thời để xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trên.

Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ Nguyễn Tuấn Anh và Trưởng phòng kinh doanh nguồn vốn Hoàng Thiện Hải đều không thực hiện đúng quy trình quản lý, sử dụng User và mật khẩu giao dịch, tuỳ tiện để người không có chức năng sử dụng giao dịch…

Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, lấy lý do việc kinh doanh tổng thể của Agribank cả năm vẫn có lãi nên lãnh đạo Agribank chỉ xử lý vụ việc rất nhẹ nhàng.

Cụ thể: Cách chức Phó giám đốc phụ trách SQL đối với ông Hà Đan Huấn; cách chức Phó giám đốc đối với ông Nguyễn Anh Tuấn; cách chức Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ đối với ông Nguyễn Tuấn Anh.

Kỷ luật khiển trách đối với ông Khuất Quang Huy, Trưởng phòng kế hoạch & quản lý rủi ro. Riêng Trưởng phòng quản lý kinh doanh nguồn vốn Hoàng Thiện Hải, không những không bị xử lý mà nay còn được đề bạt làm Phó giám đốc của SQL.

Cần chú ý, Ngân hàng ABN AMBRO Hà Nội (Ngân hàng Hà Lan chi nhánh  Hà Nội) chính là đối tác lớn nhất của SQL và những giao dịch với ngân hàng này góp phần quan trọng nhất tạo nên con số lỗ khổng lồ trên.

Cuối tháng 9/2006, trong một cuộc trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng C15, Bộ CA xác nhận thông tin Agribank liên quan đến vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng ABN AMBRO.

Dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao cùng liên quan đến ABN AMBRO, Ngân hàng Công thương Hải Phòng thua lỗ 70 tỷ đồng thì nhiều lãnh đạo, nhân viên bị khởi tố, bắt giam, trong khi Agribank thua lỗ tới gần 500 tỷ đồng thì lại được “cho qua”?

Không lẽ việc thua lỗ gần 500 tỷ đồng do kinh doanh ngoại tệ ở Agribank không nghiêm trọng bằng việc thua lỗ 70 tỷ đồng ở Ngân hàng Công thương Hải Phòng?

Được biết, sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cán bộ C15 (Bộ CA) cũng đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Tuy nhiên, không hiểu sao vụ việc đến nay lại chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.   

MỚI - NÓNG