Coca-Cola VN sử dụng nguyên liệu quá đát!

Coca-Cola VN sử dụng nguyên liệu quá đát!
Ngày 18/7 là ngày thứ hai liên tiếp (dự kiến trong bốn ngày) các cơ quan chức năng TPHCM tiến hành tiêu hủy các lô hàng nguyên liệu, phụ gia hết hạn sử dụng của Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola VN.

Trước đó, ngày 7-7-2005, đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ việc thực hiện các qui định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sử dụng hương liệu, nguyên liệu... để chế biến nước giải khát tại Coca-Cola VN theo sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Sự việc xuất phát từ nguồn tin cho biết Coca-Cola VN đã sử dụng hương liệu hết hạn sử dụng để sản xuất nước ngọt. Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trong kho tại nhà máy Coca-Cola có một lượng lớn hương liệu đã hết hạn sử dụng.

Theo các cơ quan chức năng, lô hàng cần phải tiêu hủy của Coca-Cola VN gồm 13 loại nguyên liệu, phụ gia với tổng khối lượng trên 12,9 tấn, trong đó nhiều nhất là bột cam (1,81 tấn), bột chanh (0,62 tấn), mono calcium phosphate (0,83 tấn), Samurai D-H (1,55 tấn)...

Theo tờ khai hải quan của Coca-Cola VN, hầu hết các loại nguyên liệu, phụ gia nói trên đều được nhập khẩu từ các nước Úc, Mỹ, Indonesia, Anh... trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến đầu năm 2004.

Sau khi bị phát hiện, Công ty Coca-Cola VN đã nhiều lần làm văn bản giải trình với các ban ngành liên quan nhưng đoàn thanh tra cuối cùng vẫn đi đến quyết định phải tiêu hủy toàn bộ lô hàng nói trên.

Ngày 22/3/2006, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - giám đốc điều hành sản xuất toàn quốc Coca-Coca VN - đã gửi công văn đến Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM đề nghị cho phép Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh và Công ty cổ phần môi trường Việt Úc tham gia tiêu hủy số hàng này bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ trên 1.000OC trong lò đốt chất thải công nghiệp.

Coca-Cola VN nói gì?

Chiều 18/7, bà Hoàng Thi Chi - giám đốc chất lượng toàn quốc Coca-Cola VN - cho biết nhà máy Coca-Cola đã sử dụng hương liệu Samurai quá hạn sử dụng để sản xuất ra 4.961 thùng thành phẩm nước tăng lực Samurai.

Ông Nguyễn Đức An, chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, trong văn bản xét duyệt phương án tiêu hủy cũng xác nhận rằng đây là lô hàng đã “hết hạn sử dụng” và “không thể sử dụng được”.

Trong đó, đã có 4.848 thùng đã được đưa ra ngoài thị trường, 113 thùng còn lại bị thanh tra Sở Y tế niêm phong trong đợt thanh tra.

Tuy nhiên, bà cho rằng việc đưa hương liệu Samurai nói trên vào sử dụng hoàn toàn không vi phạm các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm.

Theo bà Chi, lô hàng này chỉ là “đã qua hạn sử dụng tốt nhất” (best before date), tức vẫn có thể sử dụng được vào mục đích chế biến. Khi lô hàng qua hạn sử dụng, công ty đã cho đánh giá lại toàn bộ lô hàng và đưa vào sản xuất thử trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Giám đốc nhà máy Coca-Cola VN khi giải trình với đoàn thanh tra cũng cho rằng công ty đã phê chuẩn việc cho phép kéo dài thời hạn sử dụng lô hàng nói trên thêm 120 ngày với điều kiện thành phẩm phải được giữ ở nhiệt độ từ 17-30OC(!?).

Phía Công ty Coca-Cola VN cũng cho biết sau khi sự cố xảy ra, công ty cũng không còn đưa các loại nguyên liệu đã quá “thời hạn sử dụng tốt nhất” vào sản xuất các loại nước giải khát khác nữa.

Tuy nhiên, một chuyên gia từng làm việc ở bộ phận kiểm soát chất lượng (QC) của các công ty thực phẩm nước ngoài cho rằng đây là một sai lầm mà rất hiếm khi gặp phải ở các nhà sản xuất lớn.

Theo chuyên gia này, rất khó để các lô hàng nguyên liệu quá hạn sử dụng lọt qua được các khâu kiểm soát ngặt nghèo để đưa vào sản xuất, đặc biệt là các công ty của Mỹ.

“Khi một lô hàng nguyên liệu hết hạn, bộ phận quản lý kho biết, bộ phận sản xuất cũng chắc chắn biết dựa trên các nguyên tắc ghi nhãn, vì thế nếu sai lầm xảy ra thì chỉ có khả năng là cố ý do lỗi của con người” - theo chuyên gia này.

"Trên thực tế, nhiều công ty e ngại chi phí tiêu hủy quá lớn nên đã chọn giải pháp bán lại nguyên liệu cho các nhà sản xuất khác với điều kiện hai bên cùng “im lặng” hoặc tìm cách đưa vào sản xuất. Về ảnh hưởng đối với người tiêu dùng thì cần phải đánh giá trên từng loại hương liệu, phụ gia và hóa chất, tuy nhiên không ai lường trước được khi kết hợp các loại nguyên liệu này lại với nhau thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào” - vị này nhận định.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG