Còn độc quyền, còn thiếu điện

Còn độc quyền, còn thiếu điện
TP - "Đề xuất tăng giá điện cũng chỉ giúp giảm lỗ của EVN chứ không thể giúp có đủ nguồn để khắc phục được tình trạng thiếu điện trước mắt... Chừng nào ngành điện còn độc quyền thì EVN sẽ khổ, sẽ liên tục đối mặt với thiếu điện...".

Đó là ý kiến của ông Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong cuộc nói chuyện với PV Tiền phong xung quanh vấn đề thiếu điện.

Còn độc quyền, còn thiếu điện ảnh 1
EVN đang đề xuất tăng giá điện. Ảnh: TTXVN

Mới đây EVN có đề xuất xin tăng giá điện để bù lỗ. Vậy theo ông tăng giá điện có khắc phục được tình hình thiếu điện?

Những năm 2000 trở về trước thì mỗi năm thiếu từ 500 – 600 MW. Còn từ năm 2007 đến nay, mỗi năm thiếu chừng 800 – 1.000 MW. Dự báo từ năm 2008, lượng cung cần phải bổ sung vào hệ thống của EVN khoảng 3.000 MW.

Một năm EVN phải bổ sung vào hệ thống từ 1.500 – 2.000 MW thì EVN phải đầu tư để có sản lượng điện đó. Riêng chi phí cho 1.000 MW, nếu chạy than, thì EVN mất khoảng 20.000 tỷ đồng/ năm.

Nếu dùng thủy điện thì mất chừng 16.000-17.000 tỷ đồng/ năm. Với công suất phải bổ sung 2.000 MW mỗi năm thì ước chừng EVN phải cần 40.000 tỷ đồng. Do vậy, lộ trình tăng giá điện cũng là một trong những biện pháp để giúp cho EVN tạo được lợi nhuận, có kinh phí để đầu tư.

Tuy nhiên, đề xuất tăng giá điện cũng chỉ giúp giảm lỗ của EVN chứ không thể giúp có đủ nguồn để khắc phục được tình trạng thiếu điện trước mắt. Tôi ủng hộ việc tăng giá điện nhưng tăng thế nào thì EVN và Chính phủ phải tính toán. Chính phủ cũng đã có ý kiến là chưa tăng giá điện than trong lúc này.

Còn độc quyền, còn thiếu điện ảnh 2
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Theo tôi, nếu tăng vào thời điểm này, sẽ tạo thêm căng thẳng cho việc chống lạm phát. Điều này rất bất lợi cho đời sống người dân và chẳng khác nào là đổ thêm dầu vào lửa. Khi lạm phát được ổn định được thì sẽ tính đến chuyện tăng giá vào năm 2009 và những năm tiếp theo.

Vậy theo ông, phải giải bài toán thiếu điện như thế nào?

Sở dĩ năm nào cũng thiếu, căng thẳng về điện là do chúng ta giải chưa đúng cách, chưa triệt để. Vì chúng ta cần sớm tạo ra cơ chế, biện pháp chủ trương để thực sự thị trường hóa ngành điện và chống được độc quyền.

Muốn vậy phải có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện. Đặc biệt là việc thiếu hụt 3.000 MW mỗi năm thì phải phân cho các nhà đầu tư, EVN làm tới đâu còn giao cho các tập đoàn khác, các nhà đầu tư khác.

Muốn tính lượng công suất tiêu thụ cho 2010, hay cả 50 năm sau thì chúng ta phải tính ngay từ bây giờ. Bởi một dự án ngành điện từ khi lập thủ tục đầu tư cho đến khi hoàn thành cũng mất 5-7 năm.

Vậy muốn dự án để năm năm nữa hoạt động thì ngay từ bây giờ phải tính rồi, như khảo sát, đấu thầu, thiết kế, chủ dự án… và kiên quyết yêu cầu chủ dự án phải đảm bảo tiến độ.

Hiện, các dự án điện của chúng ta luôn gặp các sự cố và rồi điện lại thiếu triền miên. Việc giao nhiệm vụ này sẽ làm cho trên thị trường không chỉ có mỗi ngành điện sản xuất điện, mà có nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia và tình hình sẽ khác đi...

Làm như vậy, sẽ có những khó khăn gì, thưa ông?

Khó khăn hiện nay là quy hoạch mạng lưới điện cũng do EVN quy hoạch. Đầu tư cũng do EVN nắm tới 90%. Giá điện, điều độ điện quốc gia, truyền tải điện và phân phối điện cũng do EVN nắm.

Để giảm tải cho EVN, truyền tải điện cũng phải tách ra. Cùng với đó, việc điều độ hệ thống điện quốc gia cũng phải chuyển về một cơ quan độc lập, có thể chuyển về Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công Thương hoặc đơn vị nào đó để quản. Toàn bộ khâu phân phối điện cũng cần phải tách ra.

Không để một anh bán điện nữa mà anh nào bán rẻ, chất lượng tốt thì sẽ được chọn mua. Khi đó khách hàng chỉ phải thỏa thuận về giá. Và giá điện rẻ, truyền điện tốt chắc chắn sẽ hút được khách hàng.

Những việc này cần phải thực hiện theo các bước như vậy. Nếu có tầm nhìn, chủ trương chính sách như vậy thì sẽ bớt sự căng thẳng cho một tập đoàn. Tất nhiên, Chính phủ làm sớm thì sẽ bớt căng thẳng cho EVN. Chừng nào ngành điện còn độc quyền thì EVN sẽ khổ, sẽ liên tục đối mặt với thiếu điện.

Được biết, hiện đã có nhiều đơn vị tham gia quá trình sản xuất điện?

Đúng vậy, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than- Khoáng sản, riêng Tổng Cty Sông Đà có 50 dự án thủy điện nhỏ... Tuy nhiên tất cả các doanh nghiệp này hiện đều phải bán điện qua EVN chứ không được bán trực tiếp cho các hộ tiêu thụ điện.

 Hiệp hội chúng tôi cũng đang dự kiến huy động đầu tư xây dựng một cụm nhà máy cỡ 3.000 MW bằng nhiệt điện. Hiện có rất nhiều người giỏi có thể tham gia vào việc này. Chỉ lo vướng về chế độ, chính sách khi thực hiện mà thôi.

Có ý kiến cho rằng những đợt cắt điện trên diện rộng gần đây của EVN là do EVN cắt để giảm lỗ? Việc chi tiêu và kết quả  kiểm toán của ngành điện dường như không được mấy người biết đến?

Theo tôi hệ thống điện của chúng ta vài năm nay không có lượng dự phòng nếu như hỏng một nhà máy nào thì hụt lượng cung cấp đó. Còn tôi cũng khẳng định rằng không hề có chuyện EVN cắt điện là để giảm lỗ như ý kiến đã nêu. Ngành điện được kiểm toán hai năm/lần.

Tuy nhiên, EVN nên công bố với khách hàng trên cả nước về kết quả kiểm toán xem là lỗ hay lãi trên website của mình. Cụ thể là lỗ nguyên nhân do đâu. Những khó khăn cũng như thuận lợi của ngành điện.

Phạm Tuyên
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.