Cơn sốt hàng hiệu

Cơn sốt hàng hiệu
TP - Những tháng gần đây, hàng loạt nhãn hiệu thời trang cao cấp thế giới ào ạt “đổ bộ” vào TPHCM. Các tên tuổi đã tạo ra một cơn sốt tậu hàng hiệu không chỉ trong giới trẻ mà cả với lứa trung niên nhiều tiền lắm của...

Không như nhiều trung tâm thương mại khác, Opera View (góc Đồng Khởi, Lê Lợi, Q.1, TPHCM) lại đón nhận phần lớn lượng khách có độ tuổi từ 30-45. Một quản lý ở đây giải thích “Louis Vuitton (LV), Burberry, Lacoste, Furla, French Connection UK, Dr Martens... phù hợp với túi tiền và nhu cầu của lứa trung niên hơn”.

Thu N., nhân viên bán hàng tại Opera View cho biết những hoá đơn mua hàng trên 20-30 triệu đồng/lần không còn là của hiếm. Tại Diamond Plaza, Parkson, nơi quy tụ gần như tất cả các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam thì thường xuyên đón nhận những vị khách chi đến 40 triệu đồng/hóa đơn cho những món hàng hiệu ưa thích.

Quả là khó tin vì những món hàng xấp xỉ thu nhập hàng chục năm của nhiều nông dân như túi xách của LV xấp xỉ 7000 USD/chiếc, giày da hay thắt lưng của Gucci trên 40 triệu đồng, quần Levi’s 501 đời mới nhất xấp xỉ 3 triệu đồng... vẫn bán chạy và đôi khi hết nhiều mã hàng!

Lý giải cho điều này, ông Đặng Thanh T., một doanh nhân có tiếng trong ngành bất động sản cho biết: “Những cái áo sơ mi trên dưới 1 triệu, giày 3,4 triệu hay quần, mắt kính, đồng hồ vài ba triệu đang bình dân hoá nên nhiều vị đã tìm đến những món hàng vài chục ngàn USD để cho thiên hạ biết mình là ai”.

Giờ đây, không chịu thua kém ca sĩ  H. N diện bộ váy trên dưới 8.000 USD, người đẹp T. N.A xách túi LV hơn chục ngàn USD hay người mẫu A. T xài quần áo từ trên xuống dưới cỡ 3.000-4.000 USD có không ít những doanh nhân trong độ tuổi trung niên có tên tuổi tậu những bộ vest 2.000-3.000 USD đi đôi giày vài chục triệu... những món tiền mà phần lớn người dân Việt Nam đang so sánh với gia tài của mình.

Xài hàng hiệu theo phong trào

Bà Đặng Vi Thụy, Giám đốc Cty TNHH Thụy Vi cho rằng: “Tôi cũng đang xài túi LV, thú thật ban đầu cũng vì thua chị kém em nhưng làm ăn mà xài đồ làng nhàng quá cũng làm đối tác không nể mình”.

Còn ông Trần Vương B., Trưởng phòng Kinh doanh một doanh nghiệp thuỷ sản lớn thì nói rõ ông nghiện xài đồ hiệu chủ yếu vì “tôi cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi mặc áo Valentino, Timberland”.

Không chỉ giới doanh nhân mà nhiều nhân viên văn phòng, công chức và cả giới trí thức cũng đang “săn” hàng hiệu tuỳ theo nhu cầu và túi tiền của mình.

Phạm Minh D., giảng viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ thừa nhận: “Lúc đầu tôi cũng không quan tâm, bạn bè rủ rê mãi mới dùng thử hàng Lacoste và rồi không thể dùng thứ khác dở hơn được nữa”.

Giờ đây D. không chỉ có gần chục chiếc áo Lacoste mà còn sắm thêm quần Levi’s, giày Clack, sơ mi Timberland tại các cửa hàng chính hãng dù anh thu nhập chưa quá 15 triệu đồng/tháng.

Đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng, sau những shop đầu tiên, Levi’s, Lacoste, Mango, Adidas... đã tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng trong năm 2007.

Cơn sốt hàng hiệu đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhãn hiệu hàng đầu thế giới này nhưng chưa đủ để khẳng định đó là một xu hướng thời trang mới. Có vẻ như việc phải sắm LV, D&G, CK, Cartier... bằng mọi giá phần lớn do “kém miếng khó chịu” hơn là Việt Nam đã có quá nhiều người giàu. 

MỚI - NÓNG