Công bố phương án điều hành giá xăng dầu

Công bố phương án điều hành giá xăng dầu
TPO - Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về việc không tăng giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính vừa chính thức công bố phương án điều hành giá trong giai đoạn hiện nay.

> Thủ tướng quyết định chưa tăng giá xăng dầu
> Nhiều cửa hàng xăng dầu lại 'hết hàng'
> Cửa hàng ngừng bán xăng từ... trước Tết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, cùng với việc giữ ổn định giá, cơ quan điều hành yêu cầu doanh nghiệp chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít vào giá cơ sở và tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Cụ thể, mức sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng được nâng từ 1.000 đồng hiện tại lên 2.000 đồng/lít; dầu điêzen tăng thêm 400 đồng/lít (từ 400 đồng/lít lên 800 đồng/lít); dầu hỏa tăng thêm 450 đồng/lít (từ 700 đồng/lít lên 1.150 đồng/lít); dầu madut tăng thêm 50 đồng/kg (từ 600 đồng/kg lên 650 đồng/kg).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ bình quân đối với mặt hàng xăng dầu trong nước đang cao hơn giá cơ sở khoảng 986 - 2.319 đồng/lít. Trong đó, chênh lệch cao nhất là mặt hàng xăng RON 92.

Trước đó, ngày 26-2, Bộ Tài chính có công văn số 2624 về việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian hiện nay.

Theo đó, Bộ Tài chính căn cứ trên giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây có biến động theo chiều hướng tăng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực (giá xăng RON 92 thấp hơn Trung Quốc trên 2.000 đồng/lít, thấp hơn Lào trên 4.000 đồng/lít, thấp hơn Campuchia trên 5.300 đồng/lít).

Theo Bộ Tài chính, với nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành tại Nghị định 84 và Thông tư 234 thì chênh lệch giữa giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 27-1-2013 đến ngày 25-2-2013 và giá bán hiện hành, xăng RON 92 hiện đang âm 2.319; điêzen 0,05 S âm 1.133; dầu hoả âm 1.462; madút âm 986.

Căn cứ trên cơ sở chênh lệch giá bán hiện hành với giá cơ sở theo tính toán trên, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ chiều ngày 26-2, ngoài việc Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá, giữ ổn định giá bán, thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, người tiêu dùng, tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức (300 đồng/lít, kg) đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu.

Thời gian tới, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84 và Nghị quyết số 01 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp bình ổn giá và các công cụ tài chính khác để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Liên Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa để việc kinh doanh tiến hành bình thường.

Theo Viết
MỚI - NÓNG