Công bố 59 địa chỉ thất thoát trong xây dựng

Công bố 59 địa chỉ thất thoát trong xây dựng
Căn cứ trên những nguồn thông tin “chuyên ngành” có chọn lọc, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam để lên danh sách 59 địa chỉ thất thoát trong đầu tư xây dựng trải dài khắp các địa phương trong cả nước.

“Thất thoát trong đầu tư xây dựng hiện nay đã trở nên phổ biến, và giới chuyên môn có nhiều nhận định khác nhau về tỷ lệ thất thoát, nhưng tỷ lệ đó có thể lên đến 30%”. Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, đã mở đầu cuộc họp công bố danh mục địa chỉ có thất thoát trong đầu tư xây dựng như trên.

Theo ông Liêm, vào cuối năm 2004, trong một Hội nghị của ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã cho rằng biện pháp quan trọng để chống thất thoát trong đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách là thu hút sự giám sát của cộng đồng và phải có quy chế cho việc này, “rất tiếc là chưa thấy một động thái tương tự nào từ phía các cơ quan nhà nước, và Tổng Hội xây dựng đã quyết định vào cuộc để góp phần giúp ích ít nhiều cho công cuộc chống tham nhũng, chống thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng hiện nay”.

Việc lập danh sách các địa chỉ thất thoát được Tổng Hội dựa trên cơ sở pháp lý từ một Nghị định của Chính phủ giao cho các Hội thuộc hệ thống Liên hiệp các HKHKT Việt Nam, có chức trách tư vấn phản biện, và giám định xã hội đối với những hoạt động của Nhà nước và công dân nói chung. Hàng năm, Tổng Hội cũng lập một danh sách để tuyên dương các công trình xây dựng có chất lượng tiêu biểu.

Để lập địa chỉ các công trình có thất thoát trong đầu tư xây dựng, Tổng  Hội đã thành lập một “tổ quan sát” để thống kê các “vụ” thất thoát đã bị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Tổng Hội còn dựa vào các nguồn thông tin “chuyên ngành” để chọn lọc thống kê trên và gạt bỏ các thông tin chưa rõ, để lên danh sách cuối cùng gồm 59 địa chỉ thất thoát trong đầu tư xây dựng trải dài khắp các địa phương trong cả nước.

Danh sách cho thấy nhiều công trình thất thoát nghiêm trọng như Dự án khối nhà ở Blốc trên dàn dầu khí ngoài biển của Tổng Cty Dầu khí Việt Nam có giá trị 17 triệu USD, nhưng hàng triệu USD đã bị thất thoát, hay như việc Hà Nội đầu tư 17 tỷ đồng xây các chợ Xuân Đỉnh, Đền Lừ, Quảng An, Hải Bối không có người vào buôn bán...

Liên quan đến việc lập “danh sách đen” trong thất thoát đầu tư xây dựng của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, trước đó vào thời điểm vụ “rút ruột” nhà chung cư A2 Bộ Xây dựng cũng đã quyết định vào cuối tháng tư này sẽ xây dựng một trang Web để công khai “danh sách đen” các công trình xây dựng có vi phạm.

Tiền Phong đã liên lạc với ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng, ông Chủng nói: “Hiện tôi đang đi công tác nên chưa rõ về việc Tổng Hội xây dựng lập danh mục các công trình thất thoát trong đầu tư xây dựng ra sao.

Tuy nhiên tinh thần là chúng tôi hoan nghênh đóng góp của các tổ chức và xã hội trong việc lành mạnh hoá thị trường xây dựng, và sau khi tìm hiểu kỹ về danh mục nói trên nếu thấy đúng với tinh thần đó thì chúng tôi có thể sẽ đưa lên trang web của Bộ Xây dựng”.

Hầu hết các vụ thất thoát cũng đã được đề cập trên báo Tiền Phong. “Vụ 17 tỷ đồng” nói trên được báo Tiền Phong nêu đầu tiên, 6 vụ thất thoát điển hình đăng báo Tiền Phong đã được Tổng Hội trích dẫn đưa vào danh sách.

Giải thích lý do: Vì sao báo chí thường thông tin công trình này đã được các bên liên quan ký với nhau như thế kia, mà sau vài ba tháng thậm chí là hàng năm vẫn chưa thấy thực hiện như thế này như thế kia, thì chúng tôi là những người trong nghề hiểu ngay rằng vì...“lễ” chưa đủ, ông Liêm nói.

Báo cáo của Tổng Hội tại cuộc họp cũng nhận định rằng không chỉ có các chủ đầu tư, Cty tư vấn và nhà thầu xây dựng đang “xà xẻo” các công trình xây dựng, mà bản thân cách “điều hành” của các cơ quan chức năng cũng góp phần “gây thất thoát, lãng phí”.

Năm 2005, được Quốc hội và Chính phủ quyết tâm lập lại kỷ cương trong khâu đầu tư xây dựng, chống đầu tư dàn trải, chống đưa các dự án chưa đủ điều kiện và danh mục đầu tư.

Thế nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính thì hiện tại (đầu quý II), trong danh mục phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước năm 2005 có 19 dự án với tổng số vốn 125 tỷ đồng chưa có quyết định đầu tư, 336 dự án với tổng vốn trên 1000 tỷ đồng chưa phê duyệt tổng dự toán, 16 dự án nhóm C có thời hạn thực hiện quá hai năm và 30 dự án nhóm B thực hiện quá 4 năm!

Đây là chưa nói đến nguy cơ ngưng trệ của nhiều dự án khác đang vướng mắc với nghị định 16/2005/NĐ - CP có hiệu lực từ 5/3/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trao đổi với Tiền Phong bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Văn Trường-Trưởng Ban kiểm tra Tổng Hội, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây Dựng, cho biết “Ông Wiliam P.Henry, Chủ tịch hội kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ, ước tính rằng hàng năm có khoảng 400 tỷ USD chi phí cho tham nhũng gắn với các hợp đồng giao thầu của các chính phủ trên toàn cầu”.

Ông cũng khẳng định: “Dựa trên các đánh giá để xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Tổng Hội đang xây dựng phương pháp luận đánh giá mức độ thất thoát trong đầu tư xây dựng ở nước ta trong những năm gần đây”.

6 công trình có thất thoát trong đầu tư xây dựng đã được Báo Tiền Phong đề cập và Tổng Hội trích dẫn vào “danh sách đen”

1) 100 nhà tránh lũ Bến Trễ (Quảng Nam) với vốn đầu tư 2 tỷ, bị bỏ hoang 4 năm không có người vào ở. (Tiền Phong 17/1/2004)

2) Chương trình “mía đường” làm cho 38/44 nhà máy hiện có phải đóng cửa do ngập sâu trong nợ nần. Tính đến hết năm 2002, các nhà máy đường lỗ 2,75 tỷ đồng, dư nợ của Chính phủ là 5008 tỷ đồng. (Tiền Phong 27/5/2004)

3) Cảng thương mại Năm Căn (Cà Mau) xây dựng sai thiết kế, sai quy trình kỹ thuật nên vừa xây dựng, vừa chỉnh sửa phải chi đến 117 tỷ đồng. Bờ kè dài 300 m, chi 7 tỷ đồng đầu tư, vừa làm xong bị sạt lở hoàn toàn. (Tiền Phong 28/5/2004)

4) Bến xe liên tỉnh thành phố Cần Thơ đầu tư 15 tỷ đồng, những chưa có đường cho xe ra vào.

5) Năm chiếc cầu bê tông xây dựng ở Kiên Giang từ 1998, đầu tư: 500-600 triệu/cầu, đến nay vẫn không sử dụng được, vì không có đường lên cầu và xây dựng chỗ dân không cần qua lại. (Tiền Phong 28/5/2004)

6) Nhà máy nước sạch Bắc Thăng Long-Vân Trì Hà Nội hoàn thành tháng 9/2004, vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Hiện nay công trình không có đồng bộ về điện, đường ống, máy bơm...nên chưa vận hành được.

Ngoài 6 công trình trên, công trình 4 chợ đầu mối ở Hà Nội là Xuân Đỉnh, Đền Lừ, Quảng An, Hải Bối lãng phí 17 tỷ đồng do không có người vào buôn bán, là một trong những “vụ” thất thoát báo Tiền Phong đã phát hiện và đề cập đến đầu tiên.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.