Công nghệ in tiền polymer có bị lỗi?

Công nghệ in tiền polymer có bị lỗi?
TP - Tiền polymer thiếu hình hoa văn, không có dấu chấm cách trước ba số 0 ở một số tờ 10.000 đồng, dễ bị nhoè, dễ bị xé rách khi chỉ cần có một vết rách rất nhỏ chớm ở phía ngoài mép tờ tiền... Vậy tiền polymer có đạt chất lượng cao như lời các quan chức vẫn phát biểu?
Công nghệ in tiền polymer có bị lỗi? ảnh 1

Ông Đặng Đức Lâm chỉ ra những lỗi của tờ 50.000 đồng do PV cung cấp

Đó là những phản ánh cơ bản nhất của người dân sau chưa đầy 3 năm đồng tiền polymer đầu tiên chính thức được Ngân hàng Nhà nước đưa vào lưu thông.

Ngày 5/10, chủ một quán cơm có tiếng của Hà Nội đã bức xúc khi phản ánh với Tiền phong về chất lượng của tiền polymer.

Theo lời chị, chỉ trong vòng một tuần, cửa hàng đã hai lần phải kiểm tra kỹ tờ tiền mà khách trả (1 tờ mệnh giá 500.000 đồng; 1 tờ mệnh giá 50.000 đồng) và đề nghị khách đổi lại với lý do những đồng tiền đó trông rất xấu, nhàu.

“Thậm chí với tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, khi tôi vô ý giật mạnh, tờ tiền rách luôn làm đôi”, chị nói.

Ngay sau đó nhân viên cửa hàng đã đem tờ tiền trên đến các ngân hàng để đổi xem tiền thật hay giả thì ở quầy giao dịch nào của các ngân hàng trong thành phố cũng khẳng định là tiền thật nhưng chỉ được đổi với điều kiện phải bị trừ 20% mệnh giá vì đã bị  lỗi (rách).

Đối với tờ tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng còn lại mà chủ quán cơm trên đã mang đến (tờ tiền này khiến cả chủ và khách mất một hồi tranh cãi), theo quan sát của phóng viên, đó là một tờ tiền đã cũ và có phần bị nhàu nát.

Trên tờ tiền đã có chỗ bị lỗ chỗ, vỡ mực; ô cửa sổ đã có chỗ hở chân, hở đế. Đồng tiền có số sêri là MG 03755469 (cũng đồng nghĩa tờ tiền này được sản xuất năm 2003).

Chiều qua 6/10, phóng viên Tiền phong đã đem tờ tiền trên đến gặp và hỏi ý kiến ông Đặng Đức Lâm - Chuyên gia làm việc hơn 20 năm tại Nhà máy In tiền quốc gia.

Ngay sau khi cầm lên, áp sát mắt vào cửa sổ nhỏ soi trên ánh đèn thấy xung quanh có ánh sáng 7 sắc cầu vồng - yếu tố chống giả DOE, một trong những đặc điểm để nhận biết tiền thật (nhưng lại không hề có ở 2 loại mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng?) ông Lâm khẳng định: “Đây là tiền thật!”.

Một tờ tiền sản xuất năm 2003, chưa đến 3 năm lưu hành, sao lại có vẻ ngoài nhàu nát khiến người tiêu dùng e ngại đến vậy?

Theo ông Lâm, rất có thể do đồng tiền này bị  chà xát mạnh trong khi sử dụng dẫn đến không còn nguyên vẹn. Còn mầu mực bị sẫm và nhòe là do người tiêu dùng khi sử dụng đã để đồng tiền gặp nước nên tiền đã nhòe mực.

Ông Lâm khẳng định: “Nhược điểm của tiền polymer là in không có độ thẩm thấu, độ bám kém. Chính vì thế, khi sản xuất đồng tiền này, phải có lớp phủ lên để tránh cho đồng tiền khỏi bị chà xát…”.

Đến đây, người tiêu dùng không thể không đặt ra câu hỏi: Như vậy tiền polymer có đạt chất lượng tiêu chuẩn cao như lời các quan chức Ngân hàng Nhà nước vẫn phát biểu trước công chúng?

Cũng tại buổi gặp này, ông Đặng Đức Lâm đã trích dẫn cho phóng viên một số thông tin từ một hội thảo do ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 10/1/2002 với nội dung “Giới thiệu về tiền giấy polymer”.

Theo ông Lâm, những ưu điểm về tiền polymer được đặc biệt nhấn mạnh trong tài liệu hội thảo này như: sử dụng chất nền polymer đảm bảo an toàn hơn  trong việc chống làm tiền giả; chi phí sản xuất tiền polymer cao hơn không đáng kể so với chi phí sản xuất tiền giấy nhưng độ bền lại lớn hơn tiền giấy rất nhiều; lớp phủ tiền giúp bảo vệ lớp mực in, giữ tiền sạch... trên thực tế đều không diễn ra hoàn toàn như vậy.

Cụ thể hơn, ông Lâm chỉ ra: “Người ta nói tiền polymer hiện đang đứng hàng đầu trong công nghệ tiền tệ trên thế giới. Vậy lý giải thế nào cho việc chất lượng giấy in tiền không đảm bảo vì thực tế vẫn có tờ xấu, phải chọn lại. Hay mực in thì rất dễ nhòe ngay cả khi so với tờ tiền cũ cotton?

Nói rồi ông Lâm lập tức lấy một tờ tiền polymer mới thấm nước và xát mạnh, mực in lập tức phai ra rất nhiều so với một tờ tiền cotton cũng làm như vậy ngay lúc đó. 

Trong 6 nội dung mà Thanh tra Chính phủ đang thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước có nội dung liên quan đến chất lượng in ấn tiền polymer đã được đưa ra trong đề án; xác định công nghệ in tiền có đảm bảo chất lượng?

Câu trả lời về chất lượng tiền polymer “hư -thực” thế nào, chắc chắn người dân sẽ được biết khi cơ quan chức năng có kết luận rõ ràng và công khai.  

Trao đổi với báo giới hôm qua 6/10, về tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng thiếu hình văn hoa nhũ vàng bên góc trái phía dưới, ông Nguyễn Văn Toản - Phó cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết: Hiện tờ tiền polymer 500.000 đồng trên đang được chuyển ra Hà Nội. Phải trực tiếp tiếp cận và nghiên cứu, NHNN mới có thể đưa ra những kết luận chính thức. Sớm nhất, cũng phải đầu tuần sau mới có kết luận. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.