“Công nghệ tiệc cưới”: Hiện đại, hao tiền !

“Công nghệ tiệc cưới”: Hiện đại, hao tiền !
Vào mùa cưới, các nhà hàng, khách sạn chạy đua để chiêu dụ khách, trong đó “công nghệ tiệc cưới” đang được phát huy tối đa.

Đến giờ làm lễ, sau phần giới thiệu của MC, đội múa bước lên sân khấu trình diễn tiết mục múa Thuyền hoa thì ngay bên ngoài, đội lễ tân với 14 cô gái xinh đẹp trong trang phục áo dài truyền thống đứng xếp hàng, tay cầm những chiếc lá sen đưa lên đưa xuống nhịp nhàng.

Khi phần trình diễn trên sân khấu vừa kết thúc, theo lời hướng dẫn của MC, quan khách dự tiệc hướng mắt về 2 màn hình lớn đặt cạnh sân khấu, tiếp tục theo dõi tiết mục múa lân, múa mâm quả trước tiền sảnh nhà hàng.

Chiếc xế hộp mới cáu trờ tới, cô dâu chú rể bước xuống xe, tay trong tay tiến vào phòng tiệc trong tiếng nhạc rộn ràng, tiếng pháo kim tuyến nổ vang...

Đó chỉ là phần mở màn tiệc cưới theo “công nghệ” tại một nhà hàng nổi tiếng trên đường Lý Thái Tổ, quận 3-TPHCM. Và, để có được chương trình này, nhiều cô dâu chú rể phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, rất nhiều cặp chọn “công nghệ tiệc cưới” để đánh dấu ngày trọng đại nhất của đời mình.

Cộng thêm bao nhiêu, tốn tiền bấy nhiêu

Tại TPHCM, các “đại gia” nổi tiếng trong công nghệ tiệc cưới phải kể đến là nhà hàng P.L, S.Đ, Q.T, B.V, Đ.Đ, N.Đ... Theo lý giải của nhân viên bộ phận yến tiệc của các nhà hàng, “công nghệ tiệc cưới” trước tiên đòi hỏi phải chuyên nghiệp, hoành tráng, sang trọng và hiện đại từ khâu chuẩn bị, thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh, chương trình lễ tiệc, xử lý tình huống...

Có hàng loạt dịch vụ cao cấp cho khách lựa chọn và tùy theo túi tiền, sở thích, khách hàng có thể thêm hoặc bớt các dịch vụ. Mỗi nhà hàng, khách sạn sẽ có những chương trình đặc trưng theo “gu” riêng...

Do là dịch vụ “hiện đại” nên các nhà hàng cũng “chém” đẹp. Chỉ tính riêng phần thức ăn, thực đơn ở các nhà hàng “công nghệ tiệc cưới” dạng sao phải từ 1,6 triệu đồng- 3 triệu đồng/bàn (5-6 món ăn). Nhưng đó chỉ là chi phí “nổi”, các chi phí dịch vụ kèm theo mới thật sự đáng quan tâm.

Chẳng hạn, đội ngũ lễ tân đón khách ở cổng cùng cô dâu chú rể (10-14 người) giá 1 – 3 triệu đồng; bắn pháo hoa kim tuyến 400.000 đồng - 500.000 đồng, ban nhạc 1-1,5 triệu đồng; dịch vụ máy phóng và màn hình 1-2 triệu đồng; máy phóng và màn hình truyền hình trực tiếp buổi lễ 2- 5 triệu đồng... Chưa kể các chi phí như bao áo ghế, phí phục vụ nước uống, bong bóng nổ, MC...

Tất cả được tính theo sô chứ không theo từng tiết mục riêng lẻ và gói gọn trong khoảng thời gian nhất định, nếu kéo dài thêm, cô dâu chú rể sẽ phải thanh toán thêm phí phát sinh...

Dễ ăn nên đâu đâu cũng... “công nghệ tiệc cưới”

Nhân viên tiếp nhận đặt tiệc của các nhà hàng “công nghệ tiệc cưới” đều thừa nhận: Phải là người có tiền thì mới “chịu” nổi các dịch vụ cưới hỏi này. Khách đặt tiệc đa số là người làm việc cho công ty nước ngoài, người kinh doanh, con nhà khá giả..., đối tượng khách cũng thuộc thành phần trên.

Các nhà hàng không có chủ trương khu biệt đối tượng khách nhưng chính khách hàng là những người chọn lựa nhà hàng. Và, khi đã chọn một nhà hàng “công nghệ tiệc cưới”, các đôi uyên ương thường chọn những dịch vụ “độc” của nhà hàng để buổi lễ ấn tượng, “xứng tầm”.

Không chỉ những nhà hàng treo bảng “công nghệ tiệc cưới” mới tổ chức tiệc cưới theo hình thức này, mà rất nhiều nhà hàng, khách sạn hiện nay cũng đang đua theo.

Tùy vị trí, đẳng cấp nhà hàng, khách sạn và đối tượng khách nhắm đến mà mỗi nhà hàng ứng dụng công nghệ theo cách riêng. Do có quá nhiều nhà hàng, khách sạn tổ chức tiệc cưới nên chương trình ở các nơi na ná nhau là chuyện bình thường.

Chính vì vậy, nhiều tiệc cưới đua theo dịch vụ “độc” khá tốn tiền nhưng kết cục cũng chẳng khác gì ai.

Theo Thanh Nhân
Người Lao Động

MỚI - NÓNG