Công nghiệp khí: Nhắm đến “Top 4” khu vực Asean

Công nghiệp khí: Nhắm đến “Top 4” khu vực Asean
TP - TGĐ Tổng công ty khí (PV Gas- thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) Đỗ Khang Ninh vừa tiết lộ PV Gas sẽ phát triển ra thị trường quốc tế và vươn lên vị trí thứ 4 trong khu vực Asean vào năm 2015.

Tăng tốc, đột phá và phát triển bền vững… là những mục tiêu chiến lược của PV Gas trong giai đoạn này. PV Gas đặt mục tiêu phát triển CN khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong và ngoài nước; đa dạng hóa sản phẩm, lấy trọng tâm là sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bán buôn, đồng thời chú trọng phát triển bán lẻ...

Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển trên thị trường trong nước cũng như hòa nhập thị trường khu vực và thế giới.

Ông Ninh cũng cho biết, sau 12 năm khai thác, đến nay  PV Gas đã cung cấp 24 tỷ m3 khí khô, 2,5 triệu tấn khí hóa lỏng và 1 triệu tấn Condensate, tạo nguồn nguyên- liệu để sản xuất 50% sản lượng điện, 40% sản lượng phân bón, 10% sản lượng xăng và đáp ứng 41% nhu cầu khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước. Từ năm 1995 đến nay đã tiết kiệm cho đất nước một khoản ngoại tệ hơn 5 tỷ USD bằng việc sử dụng khí thay cho việc nhập khẩu dầu DO để phát điện.

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), trữ lượng khí của Việt Nam đã được thẩm lượng và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3 khí. Petro Vietnam tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển thị trường tiêu thụ khí trong nước thông qua các hoạt động sản xuất điện, phân bón, hóa chất, phục vụ các ngành công nghiệp khai thác, giao thông vận tải và tiêu dùng gia đình.

Petro Việt Nam cũng xây dựng và vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia, sẵn sàng kết nối với đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á, phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu khí.

Hiện tại PV Gas đang triển khai hàng hoạt các dự án trọng điểm cung cấp khí cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài hai dự án khai thác khí Rạng Đông-Bạch Hổ và dự án khí Nam Côn Sơn đã được đưa vào khai thác từ nhiều năm trước, giữa năm 2007 vừa qua dòng khí thương mại đầu tiên từ khu vực chồng lấn Việt Nam và Malaysia (dự án PM3-Cà Mau) cũng đã được đưa vào bờ cung cấp khí cho hai nhà máy nhiệt điện tại Cà Mau với tổng công suất 1.500 MW và nhà máy phân đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm. Dự án có đường ống dẫn dài 400 km với công suất vận chuyển 2 tỷ m3 khí/năm.

Một dự án quan trọng khác, xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ- TP Hồ Chí Minh cung cấp khí cho các nhà máy điện và các công trình công nghiệp dọc theo tuyến ống đang được xây dựng. Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2008. PV Gas cũng đã đầu tư xây dựng dự án mạng phân phối khí nhằm phát triển thị trường tiêu thụ khí đến các nhà máy, xí nghiệp khác (ngoài nhà máy điện) dọc các KCN từ Bà Rịa-Phú Mỹ đến TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, PV Gas đang đầu tư phát triển các dự án mở rộng kho cảng Thị Vải, nâng cao sức chứa LPG lên khoảng 20.000 tấn để trở thành kho đầu mối dự trữ và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG tại miền Nam.

Phát triển các dự án đầu tư xây dựng kho đầu mối chứa LPG tại Đà Nẵng, Dung Quất với tổng công suất khoảng 3.000 tấn và công suất khỏang 6.000 tấn tại Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các khu vực này. Bên cạnh đó, PV Gas đã và đang phát triển dự án sử dụng LPG cho xe taxi và xe buýt tại Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.