Công nghiệp ôtô: “Cỗ máy” rời rạc

Công nghiệp ôtô: “Cỗ máy” rời rạc
Lâu nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, đặc biệt khi việc gia nhập WTO cận kề ngay trước mắt thì càng giống như chú mèo vội vàng tự đuổi cái đuôi của mình.
Công nghiệp ôtô: “Cỗ máy” rời rạc ảnh 1
Các doanh nghiệp phải đủ lớn để cùng nằm trong một liên minh để tổng hợp được sức mạnh và tìm ra được con đường đi của mình.

Hàng loạt các giải pháp đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đưa ra nhằm giúp ngành này thoát khỏi tình cảnh ấy nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến gì đáng kể.

Một thực trạng dễ nhận thấy là sự thiếu tập trung, chia rẽ, manh mún và “mỗi anh mỗi kiểu”.

Cũng đã có những ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay giống như một “cỗ máy” khổng lồ song toàn những linh kiện, phụ tùng được lắp ráp rời rạc, không ăn nhập gì với nhau.

Tạm thời không nhắc đến câu chuyện muôn thủa của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là có công nghiệp phụ trợ để phát triển sản xuất, lắp ráp và ngược lại. Chỉ cần nhìn bao quát toàn bộ các doanh nghiệp đang và sẽ tiến hành sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ thấy một nguy cơ ngày càng hiện rõ là sự chia rẽ rõ rệt, mạnh ai nấy làm.

Bất kỳ một ngành sản xuất nào muốn phát triển cũng cần phải nằm trong một thể thống nhất. Thế nhưng, công nghiệp ôtô Việt Nam lại đang đi ngược lại quy luật này.

Việt Nam hiện đang có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô. Trong đó chỉ có 12 liên doanh và 5 tổng công ty - công ty lớn trong nước thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) là làm ăn bài bản hơn. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác đang rơi vào tình trạng đầu tư manh mún, thiếu vốn, thiếu nhân công, thiếu trình độ và thiếu luôn đầu ra.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công nghiệp), thì đây chính là một mối nguy cơ bản có thể khiến những doanh này bị phá sản bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp nội địa đầu tư 40-50 tỷ đồng, một con số nhỏ bé, để lắp ráp ôtô, các công đoạn khó khác, chẳng hạn như sơn tĩnh điện thì đi thuê.

Thậm chí có lần PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược công nghiệp, đã nêu lên một so sánh đáng suy ngẫm: “Ở gần nhà tôi có một bà chủ đầu tư hơn 20 tỷ đồng để làm dịch vụ áo cưới mà vẫn còn kêu thiếu. Trong khi đó, tôi thấy có doanh nghiệp lại đầu tư chưa đến 10 tỷ đồng để làm ôtô. Thật sự không hiểu nổi.”

Đầu tư thiếu bài bản và quy mô nhỏ là một mối nguy, một mối nguy khác chính là việc các doanh nghiệp không biết liên kết với nhau nhằm tạo nên một thể thống nhất, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Trong khi, chỉ cần hình dung để có được một chiếc xe ôtô đến tay người tiêu dùng doanh nghiệp sẽ phải thực hiện bao nhiêu công đoạn từ đầu tư công nghệ, sản xuất - nhập khẩu linh kiện, lắp ráp, kiểm tra chất lượng, bán hàng và sau bán hàng…

Vậy mà, thậm chí đã có những trường hợp các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, “ngáng chân” nhau trong quá trình hoạt động.

Bao quát hơn, với khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cùng hàng trăm doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phân phối cũng có sự phân chia trên quy mô lớn hơn.

Hiệp hội VAMA bao gồm 12 liên doanh và 5 “đại gia” nội địa hiện được coi là một “thế lực” trong ngành công nghiệp ôtô. Bên cạnh việc họ có tập đoàn mẹ khổng lồ thì chí ít bản thân các doanh nghiệp này cũng đều có kinh nghiệm và tiềm lực hơn cả.

Do đó, khi ở trong cùng một tổ chức, ít nhiều các doanh nghiệp này cũng vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Còn các doanh nghiệp khác không đủ “tầm” để gia nhập đành phải tự “bơi” ngoài thương trường với nhau.

Có điều lạ là trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 có đến 4 triển lãm ôtô diễn ra nhưng các “bộ mặt” khồng hề giống nhau. Dư luận cho rằng, thực chất các triển lãm này là biểu hiện của sự đơn độc, nhóm những doanh nghiệp nào thấy đồng “cảnh ngộ” với nhau thì cùng nhau xin phép và tổ chức triển lãm nhằm cố gắng tạo nên diện mạo tốt hơn trong ngành và trên thị trường ôtô.

Rốt cuộc, hiệu quả đạt được của các triển lãm này không đáng kể, thậm chí biến thành nơi thăm dò thị trường của các thương hiệu ôtô được coi là “giá rẻ” - yếu tố quan trọng khiến thị trường ôtô rơi vào tình cảnh ảm đạm - đến từ các nước khác.

Về điều này, PGS.TS Phan Đăng Tuất, cho rằng đây chính là khiếm khuyết lớn nhất của ngành và cũng là điểm yếu lớn của các doanh nghiệp. Chỉ với hơn 30 doanh nghiệp nội địa cùng 10 doanh nghiệp đang xin phép thành lập và đang trong quá trình xây dựng cũng đã có sự chia rẽ rõ rệt.

Các doanh nghiệp phải đủ lớn để cùng nằm trong một liên minh để tổng hợp được sức mạnh và tìm ra được con đường đi của mình.

Theo Đức Thọ
VnEconomy

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.