Công nhân nữ nhập cư thành phố: Thiệt đủ điều

Công nhân nữ nhập cư thành phố: Thiệt đủ điều
TP - Công nhân nữ nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam có việc làm bấp bênh, thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra.

Đây là nội dung báo cáo "Tác động khủng hoảng tài chính - kinh tế đối với công nhân nữ và những nguy cơ về mua bán người", vừa được Trung tâm Hợp tác Phát triển Nguồn nhân lực (C&D) và tổ chức phi chính phủ Action Aid công bố.

Công nhân nữ nhập cư thành phố: Thiệt đủ điều ảnh 1
Một bữa cơm của công nhân nữ làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Phong Cầm

Không hợp đồng

Báo cáo cho thấy, chỉ 28 phần trăm công nhân nữ nhập cư có hợp đồng không xác định thời hạn (Hà Nội 15 phần trăm, Đà Nẵng 17 phần trăm). Trong khi đó, 10 phần trăm công nhân nữ nhập cư chỉ có hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động; 24 phần trăm công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những việc không có tính thời vụ trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp.

Đánh giá về đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế, bà RieVejs Kjeldgaard - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng chính là lao động ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động dưới dạng hợp đồng ngắn hạn, hoặc lao động tạm thời, đặc biệt là phụ nữ.

Đáng lưu ý, có khoảng hai phần trăm công nhân nữ nhập cư không được biết mặt mũi hợp đồng ra sao.

Theo phản ánh của nhiều công nhân hợp đồng, sự khác nhau căn bản là tiền công, tiền lương; các chế độ phúc lợi của doanh nghiệp; sự bảo đảm việc làm và tham gia công đoàn. Những tháng cuối năm 2008 và đầu 2009, khi cần giảm nhân công, các doanh nghiệp này đều cắt giảm công nhân hợp đồng trước tiên.

Tính chất bấp bênh của công nhân nữ còn thể hiện ở chỗ, có 36 phần trăm công nhân nữ nhập cư từng chuyển nơi làm việc 1-5 lần trong năm.

Nhiều công nhân nữ nhập cư cho biết, họ bị doanh nghiệp cho nghỉ việc tạm thời để chờ việc nhưng không nhận được tiền trợ cấp hay hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong thời gian chờ nghỉ việc. Nhiều người không đợi được đã tìm việc làm ở doanh nghiệp khác hoặc về quê làm ruộng.

Lương chỉ hơn mức tối thiểu 50 - 200 nghìn đồng

Báo cáo cũng cho thấy, tiền lương tháng 4/2009 của công nhân nữ nhập cư đều được doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu song phần lớn chỉ cao hơn từ 50 - 200 nghìn đồng.

Nhóm có tiền lương thấp nhất thuộc công nhân nữ nhập cư chưa được đào tạo, không có tay nghề, xuất thân là nông dân.

Để đối phó với việc thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu, gần đây, nhiều doanh nghiệp cắt xén hoặc giảm mạnh những khoản chi cho công nhân (gồm tiền lương, tiền chuyên cần, trợ cấp đi lại, hỗ trợ tiền nhà ở, học tập đào tạo nghề, tổ chức tham quan, du lịch) nên, dù được tăng lương theo tiền lương tối thiểu, thu nhập thực tế của nhiều công nhân nữ nhập cư còn giảm.

Cũng theo báo cáo, công nhân nữ nhập cư làm việc trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại như lắp ráp điện tử, cơ khí, dịch vụ công nghiệp có mức lương 2 - 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, công nhân nữ nhập cư làm những công việc có tính chất thủ công như chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất bao bì, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, v.v, có mức lương rất thấp 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Nếu tính tiền công trên giờ lao động thực tế tại doanh nghiệp thì tiền công của công nhân nữ nhập cư trong các doanh nghiệp này chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Thực tế điều tra cũng cho thấy, công nhân nữ nhập cư đã không được thỏa thuận về tiền lương, tiền công và thời gian làm thêm giờ. Những thỏa thuận liên quan đến thu nhập của lao động trong thỏa ước lao động tập thể hầu như không được thương lượng, thỏa thuận.

Vì thế, hầu hết công nhân nữ nhập cư buộc phải chấp nhận mức lương hiện tại cùng với điều kiện lao động thấp kém, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thiết tha giữ chân công nhân.

Công nhân nữ nhập cư chiếm đa số tại các KCN

* Tại xã Kim Chung (Đông Anh, TP Hà Nội), có trên 30.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 20.000 công nhân nhập cư (70 phần trăm công nhân nhập cư là nữ).

Hầu hết công nhân nữ nhập cư trên địa bàn xã Kim Chung làm việc trong các doanh nghiệp thuộc KCN Bắc Thăng Long.

* Phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có gần 69.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 29.000 công nhân nhập cư (65 phần trăm công nhân nhập cư là nữ).

Hầu hết công nhân nữ nhập cư làm việc cho các doanh nghiệp thuộc KCN Liên Chiểu.

* Phường Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) có khoảng 105.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 60.000 công nhân nhập cư (75 phần trăm công nhân là nữ).

Hầu hết công nhân nữ nhập cư làm việc cho các doanh nghiệp thuộc KCN Tân Tạo.

MỚI - NÓNG