Cty chứng khoán: Từ 'đuổi' đến chiều khách!

Cty chứng khoán: Từ 'đuổi' đến chiều khách!
TP - Dường như đã qua quá xa thời SSI “đuổi” bớt khách hàng, VCBS và nhiều Cty chứng khoán (CTCK) khác hạn chế khách do quá tải, nay hàng loạt CTCK ra sức “chiều chuộng” khách hàng.
Cty chứng khoán: Từ 'đuổi' đến chiều khách! ảnh 1
Sàn vắng khách, Cty chứng khoán sống cầm hơi

Trong khi đó những CTCK đang “thai nghén” cũng dè dặt chưa muốn ra đời vì số lượng CTCK đang tăng tỷ lệ nghịch với lượng khách hàng...

Sống cầm hơi

Kể cả CTCK Nam An vừa được cấp phép thì Việt Nam đã có 60 CTCK phục vụ cho gần 250.000 khách hàng. Trong khi đó tại UBCKNN đang “tồn” gần 50 hồ sơ chờ cấp phép.

So với các thị trường lớn và lượng khách hàng “tiềm năng” còn đang chờ đợi thì số lượng trên không phải quá nhiều, tuy nhiên với giao dịch trầm lắng 2,3 tháng nay thì nhiều CTCK đang “sống cầm hơi”.

Giám đốc một CTCK mới thành lập thừa nhận “ các CTCK lớn và hoạt động lâu như SSI, VCBS, ACBS, BCVS, SBS... đã thâu tóm khoảng 85% lượng khách hàng, chúng tôi đang phải chật vật chia nhau 15% còn lại”.

Cty ông này đã chi gần 30 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, thuê mặt bằng, thuê chuyên gia kỹ thuật... với ước tính phục vụ cho 5.000 - 7.000 khách trong năm đầu nhưng hoạt động 4 tháng mới thu hút được gần 1.000 khách!

Đây cũng là tình hình chung của gần 20 CTCK khác mới hoạt động từ tháng 4/2007 đến nay.

Ông Phan Vũ Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc tế cho biết: “Các CTCK mới nếu chỉ trông chờ vào khách hàng cá nhân không thì thu không đủ chi mà phải mở rộng ra các lĩnh vực tư vấn cổ phần hóa, tự doanh, bảo lãnh phát hành...”.

Ngay cả một số CTCK lớn như SSI, ACBS, VCBS... khách đến giao dịch cũng giảm 15-30% so với 3 tháng trước.

Trước tình hình trên, nhiều CTCK chuẩn bị ra đời như Minh Phú, Mai Linh, Viễn Đông... đang xem xét lại thời điểm nhảy vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt này.

Bên cạnh việc khách hàng tăng không đáng kể thì việc cổ phiếu của các CTCK sụt giảm mạnh thời gian qua cũng khiến các CTCK mới không muốn rơi vào cảnh “bán chẳng ai mua”.

Hiện nay giá cổ phiếu của nhiều CTCK mới như Tràng An, Tân Việt, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, không đủ hấp dẫn với các cổ đông.

Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước cho rằng: “Lĩnh vực thu lãi nhiều nhất của các CTCK là tự doanh, nhưng giá xuống chưa biết ngày nào lên như vừa qua thì có CTCK nào dám ôm vào”.

Dịch vụ làm đại lý đấu giá cũng hết thời khi các phiên đấu giá ế ẩm mấy tháng nay, nhà đầu tư không còn mặn mà gì với IPO .

Nguồn thu lớn khác là thu phí giao dịch cũng giảm mạnh khi tổng giá trị giao dịch giảm mạnh, tại Sở GDCK TPHCM cả tháng 7 chỉ ở mức 10.200 tỷ đồng trong khi 4 tháng đầu năm 2007, tháng thấp nhất trên 18.000 tỷ đồng và cao nhất gần 22.000 tỷ đồng.

Trong khi các CTCK cũ hoạt động “cầm chừng” thì các CTCK chuẩn bị ra đời phải gác lại ý định với tình hình này là “sáng suốt” như nhận định của HĐQT một cổ đông lớn định góp vốn vào thành lập CTCK Minh Phú.

Khách hàng là thượng đế

Trong thời điểm các CTCK cả cũ và mới cạnh tranh nhau để giữ chân và lôi kéo khách hàng thì hai bên đã “đổi ngôi”.

Không còn cảnh chầu chực, xin xỏ để mở tài khoản, kiếm đỏ mắt không có chỗ ngồi, cầu xin van nài nhân viên đặt lệnh như hồi tháng 3/2007. Giờ đây khách hàng được phục vụ khá chu đáo.

Ngay cả SSI từng “đuổi” bớt khách hàng trước đây cũng có wifi, nước uống, máy tính.. miễn phí cho khách hàng, Đại Việt, Phương Đông còn đãi khách hàng cà phê miễn phí, ACBS cung cấp các dữ liệu doanh nghiệp, hàng loạt các CTCK “mời” khách hàng vào phòng lạnh, ghế nệm, phục vụ nước nóng lạnh tận nơi. “Phần cứng” đã vậy, “phần mềm” ngày càng tiện lợi hơn.

Hầu hết các CTCK đều tổ chức phổ biến kiến thức miễn phí cho khách hàng trong đợt khớp lệnh liên tục mới khai trưong vừa qua. CTCK Tân Việt, VNDirect mở giao dịch trực tuyến, tra cứu thông tin qua mobile.

Đại Việt kết hợp với Ngân hàng Quân đội mở quầy giao dịch ngay tại sàn, Rồng Việt đào tạo miễn phí cho khách hàng, SSI mở rộng dịch vụ repo và hạ phí... Nhưng nóng bỏng hơn cả là cuộc đua hạ phí.

Phí quy định giao dịch cho nhà đầu tư là 0,5% trên giá trị giao dịch. Nhưng nay đã bị hạ đến mức không thể thấp hơn được nữa, thậm chí có CTCK không thu phí trong 3 tháng đầu hoạt động.

Nhiều CTCK mới thành lập như CTCK Chợ Lớn, Hoàng Gia, Tân Việt, Gia Anh đang áp dụng mức phí dưới 0,2% cho khách  hàng. CTCK Việt Tín còn tặng 5 triệu đồng cho khách hàng mở tài khoản giao dịch tại Cty và trừ dần vào phí giao dịch!

Tuy nhiên giám đốc môi giới một CTCK lớn lại cảnh báo: “Nếu cứ hạ phí để cạnh tranh thì các CTCK đang hại lẫn nhau và các CTCK mới, ít khách hàng sẽ chết trước. Theo tôi nên cạnh tranh bằng cải tiến dịch vụ hơn là hạ phí”.

MỚI - NÓNG