Ký hợp đồng BOT Dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước:

Cú đột phá về đầu tư của CECO 545

Cú đột phá về đầu tư của CECO 545
TP - Hôm qua (15/11), Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lễ ký kết Hợp đồng BOT Dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Cú đột phá về đầu tư của CECO 545 ảnh 1

Lần đầu tiên một Cty cổ phần trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Điều này có thể thấy chiến lược xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông đang khởi sắc.

Xã hội hoá hạ tầng giao thông   

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tuyến Hòa Cầm - Hòa Phước là một trong những trục chính hướng vào đô thị trong định hướng phát triển TP Đà Nẵng về phía nam, góp phần tạo thành hệ thống đường vành đai của thành phố.

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước trước đây đã được đầu tư theo phương thức vay vốn đầu tư, thu phí hoàn vốn đầu tư do UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì thực hiện và Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Song do khó khăn trong việc huy động vốn nên tiến độ thi công đình trệ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và giao thông trên tuyến đường này, đặc biệt các vụ tai nạn giao thông  liên tiếp xảy ra...

Dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm - Hoà Phước có tổng mức đầu tư 369.088 triệu đồng do CECO 545 đầu tư và được hoàn vốn bằng quyền thu phí đường bộ hai trạm Nam Hải Vân và Liên Chiểu.

Vốn tự có của CECO 545 là 20%, vốn vay thương mại là 80%. Thời gian thi công là 2 năm, thời gian thu phí hoàn vốn là 8 năm 7 tháng 28 ngày, thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 3 năm. Tổng thời gian thực hiện dự án là 13 năm 7 tháng 28 ngày.  

Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng đã chuyển giao Dự án cho Bộ GTVT. Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất chuyển dự án từ phương thức vay vốn đầu tư, thu phí hoàn vốn sang hình thức đầu tư BOT trong nước và giao cho Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quyết định trên.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo phương thức BOT mang tính xã hội hoá cao, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đã và đang trở thành một hình thức đầu tư được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện phát triển.

Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư và khai thác chính công trình do mình thi công - một cách quản lý xây dựng cơ bản mang lại hiệu quả cao”.

Cty cổ phần xây dựng công trình 545 (CECO 545) đã được chọn đầu tư dự án bởi đã  và đang thực hiện các dự án lớn, có đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý và thi công được Bộ GTVT chấp thuận làm nhà đầu tư mới của Dự án.

Đầu tư mang tính đột phá

Cty cổ phần Xây dựng Công trình 545 (thuộc Cienco5) đặc biệt có thế mạnh về đầu tư địa ốc, xây dựng giao thông. Chính chiến lược đa dạng hoá kinh doanh, thực hiện ác dự án đầu tư với vai trò “ông chủ” chứ không chỉ đơn thuần làm thuê đã giúp Cty tăng trưởng mạnh, đạt hiệu quả cao.

Chiến lược xã hội hoá hạ tầng giao thông được coi là cơ hội mới cho CECO 545 đầu tư dự án đúng chuyên ngành xây dựng giao thông vốn được xem  là thế mạnh.

Có thể nói hợp đồng BOT đầu tiên CECO 545 ký kết đã đánh dấu một bước tiến trong lĩnh vực đầu tư. Mặt khác dù là dự án hạ tầng đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT song CECO 545 tin tưởng vào hiệu quả cũng như năng lực của Cty trên cơ sở những tính toán khảo sát cụ thể.

Ông Thân Hoá - Giám đốc CECO 545 cam kết sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ, đạt chất lượng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt sẽ quản lý khai thác dự án hiệu quả nhằm khẳng định tính đúng đắn của chiến lược xã hội hoá hạ tầng giao thông.

MỚI - NÓNG