Ra đời Hiệp hội Thị trường Trái phiếu:

Cú huých cho 'chợ nhỏ'

Cú huých cho 'chợ nhỏ'
TP - Ngày 14/8, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) ra đời tại Hà Nội, sự kiện được xem là cú huých mới đối với thị trường trái phiếu VN, vốn là chợ nhỏ, hàng ít.
Cú huých cho 'chợ nhỏ' ảnh 1
Giao dịch tại Techcombank Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt

Thời gian qua, không chỉ Chính phủ, khá nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phát hành trái phiếu vay nợ trong dân.

Ông Don Lam, Tổng GĐ Vina Capital, cho rằng Chính phủ và DN thích phát hành trái phiếu hơn vì huy động vốn rẻ, dài hạn, khối lượng lớn và, nhất là, chủ động kiểm soát nguồn vốn chứ không phụ thuộc vào cổ đông như cổ phiếu hay ngân hàng.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank- nơi đang phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu thừa nhận: “Kênh huy động vốn từ trái phiếu ra đời giúp cho DN huy động được nguồn vốn vừa dài hạn, vừa ổn định và có mức lãi suất cố định trong suốt thời gian phát hành”.

Tuy nhiên, thế mạnh này cho đến nay vẫn đang ở dạng thuở ban đầu. Theo ông Lê Đạt Chí (giảng viên ĐH kinh tế  TPHCM), thị trường trái phiếu tại Việt Nam quy mô quá nhỏ, chiếm chưa đến 20 phần trăm GDP so với 50 phần trăm GDP của nhiều nước trong khu vực. Không những thế, thị trường còn phân tán, phần lớn là trái phiếu chính phủ.

Điều này được ông Đào Việt Ánh - Vụ Tài chính các Ngân hàng & Tổ chức Tài chính (Bộ Tài chính) xác nhận quy mô của thị trường trái phiếu Việt Nam hiện chỉ ở mức 17 phần trăm GDP, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia 82; Singapore 74; Thái Lan là 58 và Trung Quốc là 53...

Hiện trái phiếu chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và chính quyền địa phương chiếm đến 90 phần trăm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 10 phần trăm tổng lượng trái phiếu đã phát hành.

Tỷ lệ này (trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp) tại Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia… thường là 50-50. Không chỉ mất cân đối, thị trường trái phiếu Việt Nam còn có quá nhiều loại, thiếu thống nhất trong thông lệ giao dịch, phân tán, khiến không chỉ nhà đầu tư trong nước chưa mặn mà, mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại khi muốn đầu tư vào thị trường này.

Dẫn chứng sinh động nhất là việc trái phiếu, nguồn thu từ trái phiếu chính phủ, các địa phương và nhiều DN từ nhiều năm nay vẫn khó được hấp thụ hết.

Từ năm 2006, nhiều tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam như HSBC, Deutsche Bank, Standrd Chartered Bank, Dragon Capital BIDV, Vietcombank, Vietinbank, ACB, ANZ, Citibank… đề xuất ý tưởng thành lập.

Hiệp hội không chỉ quan tâm đến thị trường trái phiếu, mà còn dẫn, để mắt đến các công cụ nợ khác như kỳ phiếu thương mại, khế ước giao hàng, tín phiếu của các công ty tài chính, chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu ngân hàng.

Chủ tịch một quỹ đầu tư cho biết, lâu nay nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như chỉ biết đến cổ phiếu và trái phiếu chính phủ, trong khi các công cụ nợ khác quan trong không kém và đều có lực hút vốn hấp dẫn riêng của nó.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho hay, một nhiệm vụ quan trọng khác của VBMA là sẽ hình thành lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu để các nhà quản lý, DN lấy đó làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch kinh doanh.

Việc nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ vừa qua không thành công chủ yếu do lãi suất chưa phù hợp càng cho thấy sự cấp thiết ra đời của  lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu.

MỚI - NÓNG