Cổ phần hóa Mobifone:

“Cú huých” để cạnh tranh lành mạnh

Thị trường viễn thông cần sự tham gia của cả DNNN và DN tư nhân hoặc cổ phần. Ảnh: Ngọc Châu
Thị trường viễn thông cần sự tham gia của cả DNNN và DN tư nhân hoặc cổ phần. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Về chủ trương tách Mobifone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý, rất nhiều hy vọng sẽ tạo “cú huých” mở ra một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.

Cạnh tranh chưa hoàn hảo

Tại tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý mới đây theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay khá cạnh tranh, tuy nhiên, nguy cơ độc quyền sẽ không xảy ra trong thời gian ngắn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực thì cho rằng, việc cạnh tranh là có nhưng là cạnh tranh chưa hoàn hảo vì cả ba doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần thống lĩnh (Viettel, Mobifone, Vinaphone) đều là DN nhà nước.

Ông Trực ví von, “cạnh tranh ở Việt Nam giống như ông bố cho ba con ra ở riêng nhưng vẫn làm chủ khối tài sản” trong khi về nguyên tắc, không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Cũng vì cả ba DN cùng thuộc sở hữu nhà nước nên đơn vị nào cũng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường trục, gây lãng phí không hề nhỏ. Nếu là DN cổ phần hóa, họ có thể đi thuê hạ tầng thay vì xây dựng để tiết kiệm hơn.

Cũng theo ông Trực, thị trường viễn thông chỉ cần một đến hai DN nhà nước, một đến hai DN khác phải là công ty cổ phần hoặc tư nhân thì cạnh tranh mới lành mạnh. Chủ trương cổ phần hóa Mobifone đã có từ những năm 1995 – 1996 nhưng mãi không làm được, chủ yếu do nội tại VNPT, ông Trực lưu ý.

Ông cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi tách Mobifone ra khỏi VNPT là tránh lập thêm một công ty nhà nước cạnh tranh nhau, ngang ngửa nhau, như thế không lành mạnh. Cần phải tạo ra một đơn vị cổ phần hóa thực sự mạnh để tạo áp lực cạnh tranh.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chuyển dịch của thị trường viễn thông thời gian qua rất chậm, ì ạch. Vấn đề minh bạch hóa thông tin còn hạn chế, thể hiện qua cách giải trình của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) về việc tăng giá 3G chưa thỏa đáng.

Tái cơ cấu thị trường

Theo TS Thành, ngành viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam đang ở thời khắc cực kỳ quan trọng. Tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông không chỉ bắt buộc mà còn là nhiệm vụ sống còn với sự phát triển đất nước về dài hạn. 

Để tạo ra cạnh tranh thực sự, phải tạo ra áp lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường, chủ yếu là ba “ông lớn” Viettel, Vinaphone và Mobifone. 

Để làm được việc này, phải sửa đổi quyền lực của người quản lý cạnh tranh, bản thân người tiêu dùng phải tạo ra áp lực cạnh tranh. Đặc biệt, cổ phần hóa Mobifone với việc hợp tác với các đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh với hai doanh nghiệp còn lại.

Trước lo ngại tách Mobifone ra khỏi VNPT sẽ tạo ra cú sốc cho tập đoàn này (Mobifone mang về phân nửa lợi nhuận cho VNPT), ông Mai Liêm Trực cho rằng, việc tách Mobifone chắc chắn sẽ tạo khó khăn cho VNPT. “Cần có cơ chế để tập đoàn này không bị sốc quá lớn về mặt tài chính. Một, hai năm đầu, tập đoàn có thể gặp khó khăn nhưng năm sau sẽ tốt hơn” - ông Trực khẳng định.

Theo ông Phạm Hồng Hải, tách Mobifone khỏi VNPT nhằm hướng đến mục tiêu phần còn lại của tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh để tiếp tục phát triển trong những năm tới. Kế hoạch tái cơ cấu lại toàn bộ tập đoàn để hình thành doanh nghiệp năng động hơn, thích ứng hơn cũng đã được xây dựng. 

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Mobifone cho biết, chủ trương cổ phần hóa Mobifone là hoàn toàn đúng đắn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp này thay đổi công nghệ, quản trị nhân lực, doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời tạo thị trường cạnh tranh mạnh hơn” - ông Minh cho biết.

Cơ hội tiết kiệm tiền tỷ USD

Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 2/4, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc tách MobiFone sẽ giúp đơn vị này và cả VNPT có thêm nhiều cơ hội. Điều dễ thấy đầu tiên là việc các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh trực tiếp với nhau, đồng thời vẫn có cơ hội sử dụng chung hạ tầng. “Đây là việc khuyến khích, giúp DN tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng đồng thời nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Các DN như Vinaphone, Viettel, MobiFone hay cả GMobile khi làm việc với nhau cần tận dụng tối đa dùng chung hạ tầng trong cột, cống cáp, bể cáp… Việc đổi mới VNPT cũng như tách MobiFone ra khỏi VNPT phải gắn với việc giao lại nhiệm vụ một cách rõ ràng và có đầu tư từ nguồn viễn thông công ích cho VNPT”, ông Kiên nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.