Cửa hàng trên đi văng

Cửa hàng trên đi văng
TP - Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Ron Popeil nghĩ ra một hình thức kinh doanh bán lẻ từ xa, và nếu tính cho tới tận bây giờ thì khán giả xem truyền hình Mỹ đã dốc túi tới hàng tỉ để mua hàng của ông.
Cửa hàng trên đi văng ảnh 1
Ron Popeil (phải)

Các tạp chí Mỹ không chỉ một lần từng tôn vinh Ron Popeil là một trong những “nhà cách mạng” có công làm thay đổi quan niệm truyền thống về tiêu dùng.

Tác giả của bộ phim truyền hình nổi tiếng Futurama thậm chí còn đưa ông vào danh sách các nhà sáng lập “Viện hàn lâm các nhà sáng chế” do họ tự tưởng tượng ra.

Tuổi thơ vất vả

Ron Popeil sinh năm 1935 tại New York. Khi cậu bé mới được 4 tuổi, bố mẹ Ron Popeil quyết định chia tay nhau và.... gửi cậu và em trai vào trại trẻ mồ côi. Tới năm lên 7, hai anh em được ông bà nội đón tới Chicago ở. Bố của Ron Popeil cũng đang sống ở đây. Quan hệ bố con vì thế mà chẳng mặn nồng cho lắm.

Nhưng từ năm 16 tuổi, Ron vẫn miệt mài làm việc cho bố mình, cậu bán những thứ đồ mà ông bố cậu tự sáng chế ra trong các gian hàng thuê lại của các khu siêu thị Sears, Walgreen Woolworth. Mặt hàng chủ yếu là chiếc máy thái rau dạng xoắn ốc.

Ron Popeil lạc giọng giới thiệu cách sử dụng cho khách hàng tới 8-10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng bù lại số tiền cậu kiếm được so với tiền lương ở Mỹ hồi đó là rất khá, có tới cả gần ngàn đô la mỗi tuần.

Mô hình kinh doanh gia đình thực ra lại chẳng có tính “ruột thịt” tí nào, bố cậu bán cho con với giá bán buôn, còn Ron Popeil thì phải trả 20% cho cửa hàng nơi cậu thuê một góc nhỏ để kinh doanh.

Những năm bán hàng theo phương pháp giao tiếp mặt đối mặt với khách hàng giúp cho “doanh nghiệp trẻ” tích góp được một vốn liếng rất quý báu: giờ đây anh biết là khách hàng muốn gì. Nhưng Ron Popeil rất mệt mỏi về thể xác vì kiểu làm việc nhiều giờ, căng thẳng và phải giải thích cả ngày như thế. Cần phải nghĩ ra cách làm mới. Và Ron Popeil đã tìm ra cách đó.

Phát minh đầu tiên

Vào giữa thập kỷ 50, vô tuyến truyền hình đang còn là một hiện tượng rất mới lạ, song Ron Popeil đã hiểu ngay ra được sức mạnh tiềm ẩn của màn ảnh nhỏ.

Đoạn phim quảng cáo đầu tiên Ron làm ra để giới thiệu với khách hàng phát minh của chính anh: Ronco Spray Gun (Súng phun Ronco). Đó là một thiết bị giống như khẩu súng, có các nòng khác nhau có thể thay đổi tùy theo mục đích sử dụng: rửa ô tô, tưới phân hóa học cho rau hay... phun thuốc diệt sâu bọ.

Ron Popeil trả 550 đô la cho chi phí sản xuất đoạn phim quảng cáo trong vòng một phút này, nhưng anh lấy được toàn bộ tài liệu quay thô, và từ đó có thể chế tác ra các thước phim ngắn dài khác nhau.

Quan trọng nhất là đây không phải chỉ là đoạn phim quảng cáo hàng thông thường, mà là một bản giới thiệu sản phẩm hết sức tỉ mỉ, tương tự như anh trình bày ở siêu thị ngày nào.

Xuất hiện trên màn hình, Ron Popeil không chỉ kể về “khẩu súng vạn năng”, mà thỉnh thoảng còn đệm vào một câu hết sức phấn chấn “Các bạn hãy trông xem, nó còn biết làm thế này nữa cơ!

”Và tiểu xảo này Ron áp dụng vào nhiều mặt hàng khác, và sau này nhiều tay dẫn chương trình “cửa hàng trên đi văng” bắt chước ý tưởng của Ron Popeil cũng lặp lại “chiêu” này. Thế là một hình thức quảng cáo và bán hàng mới ra đời.

Hồi đầu chương trình vô tuyến của công ty Ronco xuất hiện trên các kênh truyền hình tư nhân ở các bang Illinois và Wisconsin, nơi mà hàng của Ron Popeil có thể mua được trong cửa hàng hay đặt mang tới nhà.

Bán hàng qua điện thoại

Tới đầu những năm 60, Ron và bố anh kiếm ra tiền chủ yếu là nhờ vào cách quảng cáo các sản phẩm tự phát minh ra trên truyền hình. Người Mỹ mua bánh mì kẹp thịt về nhà, nằm dài trên đi văng, nhấm nháp bia, chọn hàng trên TV và đặt mua qua điện thoại.

Bây giờ nhà doanh nghiệp đã có thể tự tin tới gặp các nhân viên kinh doanh trong các hệ thống siêu thị lớn và nói: “Tôi vừa đăng quảng cáo trên TV. Khách hàng của tôi sẽ tìm tới cửa hàng của các anh để tìm mua các sản phẩm của tôi, và tiện tay họ cũng sắm thêm vài thứ khác mà các anh bán. Nếu hàng của tôi không bán được, các anh cứ việc trả lại cho tôi là xong. Tóm lại các anh chẳng mất gì, mà lại có khả năng được nhiều”.

Và kiểu tiêu thụ sản phẩm này bắt đầu hoạt động, thông qua các siêu thị. Nhưng dần dà, do sự phát triển của hệ thống truyền thông, Ron bắt đầu tự bán được hàng ngày càng nhiều hơn thông qua các đơn đặt hàng qua điện thoại.

Tới năm 1968, doanh thu của Ronco đã đạt tới con số 8,8 triệu đô la hàng năm. Càng ngày anh càng nghĩ ra những câu quảng cáo giật gân và hấp dẫn “ Lắp vào là dùng được ngay!”, “Chưa hết, bạn còn có thể dùng thế này nữa...”, “Nếu bạn gọi điện cho chúng tôi ngay bây giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 20%!”.

Sách lược tạo thế

Chẳng mấy lâu sau, tất cả những khách hàng bán buôn phải xếp hàng đặt mua đồ của Ronco, kể cả những doanh nghiệp khổng lồ như Wal-Mart, địa chỉ mà Ron Popeil quyết định “ngâm” vài năm để đợi thời cơ thích hợp “Nếu đưa được hàng vào Wal-Mart thì chúng ta thắng lớn. Nhưng phải kiên trì “phục”.

Đầu tiên chúng ta sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, sau đó quảng cáo trên TV, rồi đợi 4 năm, trong lúc đó chúng ta chỉ bán hàng qua vô tuyến. Siêu thị càng chờ hàng lâu, họ càng sốt ruột muốn có bằng được sản phẩm. Và tới khi doanh thu bán hàng qua màn ảnh nhỏ bắt đầu kém đi, đó là lúc chúng ta sẽ tiêu thụ qua hệ thống siêu thị”- Sách lược của Ron Popeil là vậy.

Năm 2005 Ron Popeil quyết định bán lại công ty với giá 55 triệu đô la. Ông nghĩ- đã đến lúc dành thời gian cho công việc yêu thích nhất- phát minh ra những đồ dùng mới.

Sản phẩm mới nhất của Ron Popeil là lò nướng thịt gà tây. Mỗi tuần công ty Ronco bán được tới hàng ngàn loại vật dụng gia đình thuận tiện và đặc biệt này.  

MỚI - NÓNG