Cục trưởng Hàng không: Bay thẳng Mỹ không hề đơn giản

TPO - Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng vừa có những chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó có thể khẳng định để đường bay này thành hiện thực cũng phải chờ thêm ít nhất gần 2 năm nữa.
Cục trưởng Hàng không: Bay thẳng Mỹ không hề đơn giản ảnh 1 Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng 

Nhanh cũng phải mất 18 tháng

Tại Hội thảo về phát triển hàng không bền vững, do Bộ GTVT tổ chức ngày 11/12, Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã có những chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện đường bay thẳng Việt – Mỹ.

Theo ông Thắng, Việt Nam muốn phát triển cần có đường bay thẳng kết nối tới Mỹ, vì đây là thị trường lớn, đầy tiềm năng cả về hành khách và hàng hoá. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần rất nhiều điều kiện. 

Cụ thể, về pháp lý, từ năm 2003, Việt – Mỹ đã ký hiệp định về hàng không, các hãng hàng không 2 nước có thể mở đường bay thẳng với tần suất mỗi ngày 1 chuyến; hoặc bay qua 1, 2 điểm dừng tại quốc gia thứ 3 (thương quyền 5) để tới Mỹ (ngoại trừ qua Nhật Bản).

Cùng đó, sau 10 năm nỗ lực, hồi đầu năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam đã đạt được chứng chỉ CAT-1 của Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam có thể bay tới Mỹ.

Về an ninh, an toàn hàng không, phía Mỹ sẽ có phái đánh giá và phê chuẩn hàng năm với các sân bay và hãng hàng không có kết nối với Mỹ. Hiện, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều được đánh giá đạt điều kiện nay. 

Với hãng hàng không, phải có kinh nghiệm và đủ năng lực khai thác thàu bay bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút. Hiện, Việt Nam có duy nhất Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này và được Mỹ cấp phép.

“Các hãng hàng không muốn bay thẳng tới Mỹ phải có kinh nghiệm khai thác loại tàu bay sử dụng bay tới mỹ trong ít nhất 18 tháng đảm bảo an toàn. Như với Bamboo Airways chuẩn bị tiếp nhận tàu bay Boeing 787-9, nếu sử dụng tàu bay này để bay tới Mỹ thì nhanh nhất cũng phải 18 tháng nữa mới đủ điều kiện về kinh nghiệm, chưa kể các điều kiện khác”, ông Thắng nói.

Về thủ tục, theo ông Thắng, hãng hàng không phải thực hiện hàng loạt thủ tục theo yêu cầu phía Mỹ, có thủ tục mất từ 4-6 tháng.

Cùng đó, theo lãnh đạo Cục Hàng không, các hãng hàng không còn phải tự đánh giá, cân nhắc về yếu tố thị trường, vì thị trường Mỹ cạnh tranh rất khốc liệt. Chưa kể, liệu bay thẳng có cạnh tranh được với các đường bay có 1, 2 điểm dừng hiện các hãng đang khai thác hay không?

Ông Thắng cam kết: “Cục Hàng không luôn tạo mọi điều kiện cần thiết và đồng hành, hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở đường bay tới Mỹ”.

Cục trưởng Hàng không: Bay thẳng Mỹ không hề đơn giản ảnh 2

Lãnh đạo Cục Hàng không, doanh nghiệp hàng không, chuyên gia cùng chia sẻ về khó khăn hàng không hiện nay và đường bay thẳng Việt - Mỹ.


Vietnam Airlines không hứa trước, Vietjet chưa tham gia

Về phía hãng hàng không, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, từ năm 2001 hãng đã xúc tiến nghiên cứu đường bay Mỹ và mở văn phòng tại đây. Từ năm 2010, hãng này bắt đầu các bước thủ tục để bay Mỹ. Tuy nhiên, tới nay cũng chưa thể nói trước khi nào sẽ bay được, dù hãng xem đây là nhiệm vụ chính trị.

Theo ông Thành, 2 hãng hàng không của Mỹ là United Airlines và American Airlines từng mở đường bay thẳng tới Tân Sơn Nhất, nhưng tới nay đã phải dừng vì không đạt yêu cầu về chi phí. Trong khu vực ASEAN, hãng hàng không của Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia cũng đều mở đường bay thẳng tới Mỹ, nhưng tới nay chỉ còn Philippines và Singapore duy trì được, các hãng khác đều đã dừng bay.

Về mặt kỹ thuật, theo lãnh đạo hãng hàng không trên, các dòng máy bay thân rộng hiện tại vẫn chưa đáp ứng điều kiện về mặt kinh tế bay không dừng mà vẫn hiệu quả. Phải đợi dòng tàu bay mới là Boeing 777X và Airbus 350-1000, những tàu bay tới năm 2022 mới được đưa vào khai thác thương mại.

Cục trưởng Hàng không: Bay thẳng Mỹ không hề đơn giản ảnh 3

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành

“Nói nghe đơn giản, nhưng để xong các thủ tục để được Mỹ cấp phép cũng không đơn giản”, ông Thành nói và dẫn chứng, chỉ riêng về website phải có chức năng cho người mù cũng sử dụng được. Và sau cùng, vị này khẳng định, thủ tục có xong thì yếu tố kinh tế vẫn là gốc quyết định tới việc có bay thẳng hay vẫn qua 1 điểm dừng như hiện hãng đang khai thác.

Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương chia sẻ, hiện hãng chỉ tập trung khai thác loại tàu bay thân hẹp trên các chặng bay 5-6 tiếng, tương lai gần hãng vẫn kiện địch chiến lược này. Còn bay Mỹ, hiện hãng vẫn kết nối với các hãng khác để nối chuyến. “Ước mơ bay Mỹ chúng tôi luôn có, biết đâu được, vào một ngày đẹp trời nào đó chúng tôi sẽ bay”, ông Phương nói.

Còn giáo sư hàng không Nawal Taneja tới từ Mỹ thì góp ý, dù bay 1 điểm dừng, hay bay thẳng, thì vấn đề kinh tế phải được các hãng đặt lên bàn cân. 

Theo vị giáo sư này, các hãng không nên hướng mục tiêu vào khách thăm thân, vì họ sãn sàng bỏ thời gian bay chặng 1, 2 điểm dừng để có chi phí rẻ hơn, thay vì bay thẳng với chi phí đặt đó. Thay vào đó, nên hướng tới khách là giớ thương gia, những người sãng sàng chi 3.000 USD mỗi chuyến miễn nhanh hơn vài giờ đồng hồ.

MỚI - NÓNG