Cung cấp tài chính cho DN vừa và nhỏ: Cách nào?

Cung cấp tài chính cho DN vừa và nhỏ: Cách nào?
TP - Nhằm phục vụ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhất là ở cấp độ chính sách, Bộ KH&ĐT vừa tổ chức hội thảo “Hướng dẫn chính sách cung cấp tài chính cho DNVVN”, thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.

Ông Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Phát triển DNVVN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế về số lượng và chất lượng được coi là một trong những trở ngại lớn nhất tới sự phát triển DNVVN.

Vì nhiều nguyên nhân, hiện các DNVVN đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn chính thức hơn là các doanh nghiệp lớn hơn đang hoạt động ổn định. Do đó, các DNVVN thường phải trông cậy vào các nguồn vốn phi chính thức như: vay của gia đình, bạn bè, khách hàng..., hơn là vay từ các ngân hàng, các tổ chức cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác...

Nếu các DNVVN khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức, chắc chắn các khoản tiền sẽ ít và thời hạn khoản vay cũng sẽ ngắn. Điều này dẫn tới sự hạn chế tăng trưởng của các DNVVN.

Bà Nguyễn Thị Cảnh (Đại học Quốc gia TP HCM) - Trưởng nhóm nghiên cứu báo nghiên cứu chính sách tín dụng cấp tỉnh cho các DNVVN tại Việt Nam cho biết:

Việt Nam đang tìm cách phát triển một khu vực tài chính vững mạnh, bao gồm các tổ chức ngân hàng và tài chính có tiềm lực và khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của cộng đồng các doanh nghiệp đang phát triển và ngày càng đa dạng.

Khu vực kinh tế tư nhân mà hầu hết là các DNVVN đã trở thành một động lực bổ sung quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tạo ra đáng kể công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Nick Freeman - thành viên Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) cho rằng, để hỗ trợ DNVVN, Chính phủ cần có sự can thiệp để cải thiện sự tiếp cận tài chính của khối DNVVN; cần chú trọng vào việc loại bỏ các hạn chế, vướng mắc về chính sách đang hạn chế các hoạt động và loại hình cung cấp tài chính cho DNVVN; đưa ra các sản phẩm cho vay không cần thế chấp, nhằm tăng cường hoạt động cho vay tới các DNVVN.

Ngoài ra, cần cân nhắc giảm dần việc cho vay bao cấp của các quỹ hỗ trợ và các tổ chức khác nhau, gây ra hiệu ứng bóp méo không mong muốn trong ngành Tài chính - Ngân hàng, cũng như tạo rủi ro của việc hạn chế sự phát triển và tổn hại tới những nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cung cấp tài chính cho DNVVN.

MỚI - NÓNG