Cuộc chiến giành 'miếng bánh tỷ đô' ứng dụng gọi xe ở Việt Nam

TPO - Trong năm 2018, khi Uber bán cho Grab, Go-Jek vào Việt Nam thông qua Go-Viet, hàng loạt ứng dụng được tung ra như những “chú cáo” nhỏ (Vato, FastGo, Aber, Logivan, Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo…) dù được đầu tư lớn, nhưng vẫn lẹt đẹt. Bên cạnh đó, nhiều start-up khác như Didi Chuxing (Trung Quốc), MVL (Singapore) cũng tuyên bố sẽ tấn công thị trường Việt.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek vừa công bố, đứng đầu về quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á là Indonesia với giá trị 3,7 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực với quy mô 500 triệu USD, lần lượt sau Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Tại các thị trường này, Grab đang là “con hổ” khi chiếm thị phần lớn nhất, có mặt ở hơn 200 thành phố sau khi thâu tóm hoạt động của Uber. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe người Việt vẫn nhận được nhiều sự kỳ vọng trong cuộc chơi đầy tính cạnh tranh. 

Cuộc chiến giành 'miếng bánh tỷ đô' ứng dụng gọi xe ở Việt Nam ảnh 1 Thị trường ứng dụng gọi xe liên tục xuất hiện "tân binh". Nguồn: Internet

Tân binh Be chính thức lăn bánh tại Hà Nội và TP.HCM 

 Ngày 17/12, Be chính thức hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, với hai loại hình dịch vụ là beBike (đặt xe mô tô) và beCar (đặt xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ), sau đó sẽ tiếp tục phát triển ở các địa phương khác từ tháng 2/2019. 

 Theo bảng giá của Be, giá tối thiểu cho một chuyến beCar 4 chỗ tại Hà Nội là 27.500 đồng, cao hơn so với mức 25.000 đồng của Grab. Mỗi km tiếp theo Be tính phí 9.350 đồng, cao hơn 850 đồng so với giá niêm yết của đối thủ. Tương tự, dịch vụ beCar 7 chỗ cũng có giá cao hơn so với Grab.

 Với beBike, giá tối thiểu cho 2 km đầu tiên là 13.200 đồng, mỗi km tiếp theo khách hàng phải trả 4.180 đồng.

Việc giá cước của Be cao hơn Grab không phải điều bất ngờ. Trước đó, trong buổi lễ ra mắt ứng dụng ngày 13/12, Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Be Group - nhấn mạnh hãng này không nhắm đến mục tiêu giá siêu rẻ mà tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ và sự gắn bó của tài xế.

 Đặc biệt Be là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ các đối tác tài xế khi tham gia. Hiện tại, hãng áp dụng mức chiết khấu chung 25% với tài xế beBike và beCar.

Dự kiến, trong năm 2019, Be sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đưa dịch vụ giao hàng ra thị trường. Đến hết năm 2020, Be sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. 

Mục tiêu ứng dụng này đặt ra đến hết năm nay là sẽ có 10.000 đối tác tài xế tại mỗi thành phố (Hà Nội, TP.HCM). Dự kiến, đến cuối năm 2019, lượng đối tác này sẽ tăng lên 110.000 người với 6,6 triệu lượt tải ứng dụng và hoàn thành hơn 105 triệu chuyến đi. Be áp dụng mức chiết khấu chung 25% cho tài xế.

Trong lễ ra mắt Be ở Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: “Tôi rất hứng thú với các ứng dụng công nghệ liên quan đến vận tải, bởi sự xuất hiện của càng nhiều ứng dụng này sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường. Grab có thể thắng được Uber ở thị trường Đông Nam Á thì không có lý do gì Be và các ứng dụng thuần Việt khác không thể thắng các đối thủ khác ở thị trường Việt Nam”, ông Hùng bày tỏ.

FastGo: không thu chiết khấu % đối với lái xe, không tăng giá giờ cao điểm

 FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình. Sau 3 năm xây dựng và phát triển, FastGo hiện đã có mặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng với hơn 30.000 đối tác lái xe đã tham gia. FastGo ra mắt thị trường Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP. HCM ngày 10/8/2018.

Ứng dụng đã nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư VinaCapital ngày 30/8/2018 và đang tiếp tục huy động vốn đợt hai lên đến 50 triệu USD. 

CEO Nguyễn Hữu Tuất cho biết, vòng gọi mới nhằm thực hiện tham vọng mở rộng ứng dụng gọi xe FastGo ra các thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Myanmar. Theo đúng kế hoạch, ứng dụng này sẽ gia nhập thị trường Myanmar vào cuối năm nay.

Phía FastGo cho biết, khác biệt của công ty là không thu chiết khấu % đối với lái xe, chỉ thu từ tối đa 30.000 đồng khi lái xe có doanh thu trên 400.000 nghìn đồng. Bên cạnh đó, FastGo cũng không tăng giá giờ cao điểm, nhưng có tính năng TIP giúp khách hàng chủ động thưởng cho lái xe. 

CEO Nguyễn Hữu Tuất đánh giá, dù thị trường gọi xe Việt Nam vẫn đang nằm trong tay Grab, nhưng dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe nội vẫn còn nhiều.

Hãng này thống kê, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam trị giá khoảng 1,7 tỷ USD. Ngoài Grab đang thống lĩnh thị trường, hơn 50% thị phần gọi xe vẫn dành cho các ứng dụng gọi xe khác và cả các hãng taxi truyền thống.

Uber rút lui, Go-Viet bùng nổ

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, với sự xuất hiện của Go-Viet tại Việt Nam, người ta lại đang nghĩ tới một viễn cảnh khác cho thị trường ứng dụng gọi xe. Go-Viet chính là bước đi đầu tiên của Go-Jek ra thị trường Đông Nam Á.

Trên website, Go-Viet giới thiệu “là đối tác chiến lược của Go-Jek, cung cấp ứng dụng đa dịch vụ với các giải pháp kết nối vận chuyển đặt xe bốn bánh và hai bánh, gọi đồ ăn, giao hàng và nhiều dịch vụ khác nhằm phục vụ các nhu cầu thường nhật của người dùng Việt”.

Trước đó, Go-Jek đã tuyên bố việc đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập 4 thị trường mới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Tại mỗi thị trường sẽ có một nhãn hiệu phù hợp với từng nước, và Go-Jek đứng ở phía sau.

Và quả thực, Go-Viet xuất hiện và đưa ra chiêu khuyến mại rất sốc với “5.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 8km” (hiện tại chính sách này chuyển thành 8.000 đồng với mọi chuyến đi dưới 8km). Đây không phải là chính sách khuyến mại mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể làm được và nếu duy trì được trong một thời gian đủ dài thì thực sự trở thành nỗi “khiếp sợ” của các đối thủ khác, trong đó có Grab.

 “Với những chuyến đi mà khách chỉ trả 5.000 đồng (khi đi dưới 8km), hãng hỗ trợ cho tài xế 25.000 đồng, tức đảm bảo giá tối thiểu cho mỗi cuốc là 30.000 đồng. Mỗi ngày, chạy ít nhất 13 cuốc là anh được thưởng 220.000 đồng, chạy đủ chỉ tiêu trên thì anh có thể nghỉ sớm”, một tài xế chạy Go-Viet chia sẻ.

Liên minh taxi truyền thống G7 chung 1 app gọi xe

Liên minh G7 Taxi, về bản chất là các hãng taxi truyền thống hợp nhất với nhau thành một thương hiệu là Taxi G7, chung một app gọi xe. Quan trọng hơn cả, các đơn vị đã có tiếng nói chung để đưa đến quan điểm cùng đồng hành lâu dài, tất cả các đối tác cùng có lợi.

“Nếu đơn vị nào tách ra riêng lẻ mà không dùng app G7 thì coi như tự sát vì không có thị trường”, ông  Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi cho biết. Điều này đã được chứng minh trong thời gian vừa qua, khi nhiều hãng taxi truyền thống đơn độc chìm trong thua lỗ, không thể cạnh tranh với Grab.

Đáng chú ý, taxi G7 sẽ đầu tư khoảng 1 triệu USD để quảng bá nhận diện thương hiệu và đầu tư công nghệ, phát triển ứng dụng, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Hiện taxi G7 có nhiều kênh để khách hàng gọi đặt xe như qua tổng đài, qua trang web chính thức của G7 hoặc vẫy xe trên đường.... Đặc biệt, để xây dựng app riêng cho G7 đủ sức mạnh, hãng này đã bắt tay với Công ty Bình Anh (BA GPS) - công ty chuyên sâu về công nghệ giao thông vận tải với các sản phẩm dịch vụ như thiết bị giám sát hành trình có hơn 150.000 thuê bao dịch vụ và nhiều ứng dụng trên di động như app Tìm Buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội…

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược của một DN gọi xe đánh giá tiềm năng của thị trường là rất lớn nhưng không phải là "miếng bánh ngon ăn". Muốn thành công trong cuộc chơi lớn này, nhà đầu tư phải sẵn sàng chi mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, cả về tài chính lẫn công nghệ, chấp nhận lỗ giai đoạn đầu để duy trì sự ủng hộ của người dùng.

MỚI - NÓNG