Cuộc chiến nguyên liệu thủy sản ở Đà Nẵng

Nhiều tư thương Trung Quốc núp bóng thu gom hải sản khiến các doanh nghiệp thủy sản nội địa khan hiếm nguồn nguyên liệu ngay trên “sân nhà”
Nhiều tư thương Trung Quốc núp bóng thu gom hải sản khiến các doanh nghiệp thủy sản nội địa khan hiếm nguồn nguyên liệu ngay trên “sân nhà”
TP - Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản Đà Nẵng, miền Trung đang đứng trước thách thức từ tình trạng đẩy giá, thu gom nguyên liệu thủy sản của các thương lái Trung Quốc đang ngày càng phổ biến. Không ít doanh nghiệp lâm tình trạng khan hiếm nguyên liệu.

Thu gom

Đầu năm, hàng loạt tàu thuyền cập cảng cá âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) xả hàng. Theo ban quản lý âu thuyền cảng cá này, mỗi ngày có trên dưới 100 tấn cá, hải sản các loại cập bờ. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn và một phần cho những doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN thủy sản tập trung.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Cty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Thông thường, các thương lái Trung Quốc tổ chức thu gom sau ngày rằm tháng Giêng, nhưng ngay sau Tết năm nay, nhiều hoạt động thu gom của thương lái nước này tại Đà Nẵng đã rục rịch triển khai sớm. Chưa vào chính vụ tôm nhưng nhiều thương lái Trung Quốc đặt cọc sớm các chủ hồ nhằm “vét” hàng vào đợt cao điểm những tháng tới. Theo ông Lĩnh, doanh nghiệp ông cùng nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm điêu đứng vì tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nguồn nguyên liệu.

Năm 2013, BĐBP Đà Nẵng phát hiện 4 vụ thương lái Trung Quốc núp bóng du lịch, thu gom hải sản trái phép trên địa bàn. Nhiều tư thương Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch nhưng núp bóng người Việt Nam đầu tư bất động sản, kinh doanh du lịch có dấu hiệu thâu tóm các doanh nghiệp liền kề…

Tại Cty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (Saprodex), khí thế sản xuất sau Tết tấp nập với dây chuyền hơn 1.100 công nhân. Niềm vui đơn hàng tăng nhanh, nhưng nỗi lo thiếu nguồn nguyên liệu mùa cao điểm luôn thường trực.

Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Saprodex cho biết, khó nhất bây giờ không hẳn là tìm kiếm đơn hàng mà là vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu. Năm 2013, không ít lần công ty này lâm thế bí. Điển hình, tháng 7 vừa qua, vụ thu hoạch tôm thứ hai trong năm của nông dân vừa bắt đầu thì thương lái Trung Quốc ồ ạt sang thu gom. Khắp các vựa tôm lớn dọc dải đất miền Trung thậm chí tới miền Nam đều xuất hiện thương lái Trung Quốc.

Theo lãnh đạo Cty này, các thương lái Trung Quốc thường núp bóng dưới các đầu nậu, đơn vị thu gom người Việt, rồi chào giá cao. Nhiều khi chào giá gấp 2-3 lần so với giá thị trường. Lý do này khiến các hồ nuôi ồ ạt bán tháo cho phía Trung Quốc để kiếm lời, đẩy các vùng nguyên liệu truyền thống của doanh nghiệp trong nước rơi vào khan hiếm.

Không riêng lĩnh vực tôm, hiện nay các doanh nghiệp chế biến hải sản, cá, mực khô xuất khẩu cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu. Đại diện Cty chuyên chế biến mực xuất khẩu tại Đà Nẵng than thở: Vào tháng 3, tháng 4 nhưng hiện nhiều đầu nậu Trung Quốc đã đặt hàng các mối nguyên liệu đầu vào, gây khó cho doanh nghiệp nội địa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đơn đặt hàng xuất khẩu gia tăng nhưng không ít đơn vị chỉ đặt bút ký cầm chừng vì lo khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Đẩy giá

Theo ông Lĩnh, thương lái Trung Quốc đang lũng đoạn nhiều lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chế biến thủy sản. Bản thân các doanh nghiệp nước này cũng thiếu nguyên liệu nên họ ồ ạt sang thu gom ở thị trường khá tiềm năng như Việt Nam.

Đáng nói, tình trạng này không chỉ đẩy doanh nghiệp nội địa vào tình huống khó khăn mà còn phá hỏng cả nền sản xuất tôm, nuôi trồng và khai thác ở mức độ lớn. “Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua tôm nguyên liệu, họ không khắt khe về các tiêu chuẩn an toàn chất lượng nên người dân dễ bán. Khi xuất khẩu mặt hàng này ra thế giới, họ đổ lỗi cho người nuôi và làm mất thương hiệu tôm Việt Nam”, ông Lĩnh nói.

Ông Sơn cho rằng, vào mùa cao điểm, giá nguyên liệu đầu vào luôn bị đẩy lên. Nhiều lúc công ty phải thu gom tôm với mức giá cao hơn 40% so với ngày thường. Thậm chí có tuần còn không mua được con tôm nào để chế biến. Thực tế này khiến giá thành đầu ra của các sản phẩm xuất khẩu trong nước thiếu sức cạnh tranh.

“Năm 2013, doanh thu của công ty đạt hơn 1,6 ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại không đạt kế hoạch, bởi áp lực tranh giành nguồn nguyên liệu sản xuất quá lớn”, ông Sơn nói.

Theo các doanh nghiệp thủy sản, việc bán mua nguyên liệu theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, với thâm ý của tư thương Trung Quốc dễ lôi kéo các hộ dân sản xuất, khai thác hải sản trong nước, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đánh mất tính ổn định lâu dài.

Đối phó với thực trạng này, nhiều doanh nghiệp thay đổi hợp đồng, điều chỉnh sản xuất và chủ động tìm nguồn nguyên liệu nước ngoài với giá cao hơn.

Ông Lĩnh cho hay, để đảm bảo việc làm cho 2.400 lao động, bàn giao hàng đúng tiến độ hợp đồng, công ty phải ký kết mua nguyên liệu từ nhiều vùng nguyên liệu nước ngoài như Ấn Độ, Ecuado. Chỉ riêng năm 2013, công ty này xuất khẩu đạt 91 triệu USD, tương đương 8 ngàn tấn thành phẩm, chiếm gần 60% xuất khẩu thủy sản của cả thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Lê Viết Tươi nhận định: Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của thành phố. Năm nay, Đà Nẵng huy động các biện pháp tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tạo điều kiện ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thủy sản.

Theo Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam, năm 2014, với sự phục hồi nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như Nhật, Mỹ, EU mở ra nhiều triển vọng mới cho các doanh nghiệp thủy sản.

Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm 2014 khoảng 6,9 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu tôm ước khoảng 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản Đà Nẵng cho rằng, cần giải pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa tác động từ việc khan hiếm nguồn nguyên liệu thủy sản do thương lái Trung Quốc vơ vét ngay trên “sân nhà”.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.